Mirae Asset rót 30 triệu USD cho POPS Worldwide. Ảnh: Quý Hòa.
Mirae Asset rót 30 triệu USD cho POPS Worldwide
Công nghiệp nội dung số tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” khi đặt những bước chân đầu tiên vào hành trình phát triển thành siêu ứng dụng. Đầu tháng 11, trang tin công nghệ uy tín thế giới Tech In Asia công bố khoản đầu tư được xem là “cá mập” vào thị trường Việt Nam: Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund bắt tay quỹ đầu tư tư nhân Eastbridge Partners, rót 30 triệu USD vào POPS Worldwide, một startup giải trí kỹ thuật số có mặt tại Việt Nam với những thành công nhất định trong 10 năm qua.
Mirae Asset chọn vàng
Mirae Asset là một trong những tập đoàn quản lý tài sản hàng đầu thế giới với tổng trị giá tài sản quản lý trên 375 tỉ USD, còn Naver là tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc, đang sở hữu công cụ tìm kiếm được tin dùng nhất tại xứ sở kim chi, hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến với ứng dụng tin nhắn LINE nổi tiếng.
Liên danh đầu tư của 2 tập đoàn Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund có vốn lên đến 1 tỉ USD. Đây là thương vụ thứ 2 của liên doanh này ở thị trường Việt Nam. Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị Việt Nam Ventures Summit diễn ra tại Hà Nội, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund cũng đã công bố việc tham gia vào VinaCapital, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam.
Ở các thị trường Đông Nam Á khác, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund gây ấn tượng với các khoản đầu tư vào Grab, startup thương mại điện tử Indonesia Bukalapak, hệ thống khách sạn RedDoorz, HappyFresh, BigBasket... Tuy nhiên, đây lại là lần đầu tiên Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund đổ vốn vào doanh nghiệp nội dung số. Được liên doanh chọn mặt gửi vàng là POPS, đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nội dung giải trí kỹ thuật số trong khu vực với trụ sở tại Việt Nam và Thái Lan.
Thành lập từ năm 2008, từ một đơn vị cung cấp nhạc trực tuyến có bản quyền, sau 10 năm, POPS đã mở rộng phát triển nội dung giải trí trên hệ thống đa nền tảng. Mới nhất, POPS phát triển ứng dụng OTT (Over-the-top app) cùng tên truyền phát trực tuyến để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu giải trí của khán giả hiện đại.
Điểm nổi bật trong ngành nội dung số là sự phát triển của các nền tảng giải trí giáo dục thông qua video. Ảnh: Qúy Hòa. |
Nếu tính riêng khu vực Đông Nam Á, POPS đang sở hữu một thư viện giải trí lên đến hơn 762.000 nội dung, bao gồm các nội dung tự sản xuất, trong nước và quốc tế để mang đến cho khán giả không chỉ là những trải nghiệm phong phú về âm nhạc, phim ảnh, thiếu nhi hay các dạng nội dung ngắn hoặc dài mà còn là các buổi đại nhạc hội và các sự kiện giải trí. POPS hiện có hơn 170 triệu người đăng ký theo dõi và đón 3,5 tỉ lượt xem mỗi tháng.
Thế mạnh của POPS là mạng lưới. Đơn vị này hiện là đối tác của hàng trăm nghệ sĩ, nhà sáng tạo nội dung và đối tác trong lĩnh vực truyền hình, xuất bản và sản xuất trong và ngoài nước... Vì vậy, POPS được các nhà đầu tư đánh giá là một trong những startup Việt nhiều tiềm năng. “Đã 3 lần POPS nhận được vốn từ các quỹ đầu tư nhưng đây là khoản đầu tư thực sự đủ lớn để có thể mạnh dạn hơn với những dự tính của mình”, bà Esther Nguyễn, nhà sáng lập POPS, chia sẻ.
Cụ thể, POPS sẽ tăng tốc tiếp cận người dùng bằng việc ra mắt ứng dụng POPS và đầu tư phát triển thêm nội dung giải trí chất lượng và độc quyền chỉ có trên ứng dụng POPS. Quan trọng hơn là hoàn chỉnh hệ sinh thái nội dung số của mình bằng sự hiện diện ở tất cả các màn hình, từ trình duyệt máy tính, ứng dụng trên smart TV, điện thoại thông minh...
Mở đường siêu ứng dụng
Thị trường khối ASEAN với hơn 400 triệu người, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỉ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỉ USD và lên tới 55-65 tỉ USD cho các dịch vụ nội dung số. Hiện Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp và hơn 70.000 lao động hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, nội dung số Việt Nam là lĩnh vực giàu tiềm năng. Trong 10 năm trở lại đây, ngành nội dung số đạt tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 20% và sẽ đạt doanh thu 1 tỉ USD trong năm nay. Cơ hội tăng trưởng của nội dung số còn lớn, doanh thu có thể đạt 3-4 tỉ USD/năm trong thời gian tới. Nổi bật trong ngành có thể ghi nhận sự phát triển của các nền tảng giải trí giáo dục thông qua video.
Báo cáo Global Video-on-Demand do Nielsen thực hiện cho thấy, tại Việt Nam, hơn 9 trong 10 người Việt (91%) xem các chương trình video theo yêu cầu (VOD), ở mọi thể loại và thời lượng. Con số này ở khu vực Đông Nam Á chỉ 76%, chứng tỏ nhu cầu xem video của người Việt rất lớn. Theo bà Esther Nguyễn, đây chính là lý do các đơn vị kinh doanh nội dung số đang mạnh dạn đầu tư, phát triển ứng dụng. Bởi vì đầu tư ứng dụng sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được cộng đồng riêng. Dữ liệu từ tập khách hàng này, từ việc họ thích xem nội dung nào, thói quen xem video ra sao... sẽ là định hướng cho nhà cung cấp, đầu tư những nội dung phù hợp.
Bà Christine Fellowes, Giám đốc Điều hành NBC Universal International Networks khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, nền tảng số sẽ thay thế truyền hình để giải quyết nhu cầu mới của người xem là nhanh và linh hoạt thời gian. Đó chính là lý do lượng người xem nội dung trên internet ngày một cao hơn, thu hút các đơn vị sản xuất cũng như các nhà đầu tư vào nội dung số.
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đó. Trong làn sóng phát triển của các siêu ứng dụng, Grab có thể trở thành đơn vị cho vay tín dụng và Zalo có thể trở thành shipper giao đồ ăn thì những ứng dụng của các đơn vị kinh doanh nội dung số cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chơi.
Mặc dù không ai tính được chính xác số lượng siêu ứng dụng ở châu Á nhưng chúng đang nổi lên ở khắp mọi nơi. Hiện tượng này được kích hoạt ở những nền kinh tế đang phát triển khi smartphone đang ngày càng thịnh hành. Hàng triệu người dùng tại châu Á đang bị hút vào những nền tảng đa dịch vụ cho mọi nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Ông Ji-Kwang Chung, Giám đốc Điều hành Mirae Asset Capital, chia sẻ, việc đầu tư vào POPS bên cạnh niềm tin vào tiềm năng kinh doanh trong ngành giải trí kỹ thuật số thì mục tiêu lớn của khoản đầu tư trên là tiếp cận người dùng trực tiếp, sau đó mở rộng phạm vi sang các thị trường mới. Theo ông Ji-Kwang Chung, với đà phát triển, trong thời gian tới thị trường Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực khác của các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng, tạo tiền đề cho những siêu ứng dụng mới ra đời.
“POPS Worldwide đánh giá cao thương mại điện tử Việt Nam, với tiềm năng đạt hơn 13 tỉ USD giao dịch vào năm 2020. Trong tương lai không xa, POPS có khả năng sẽ tham gia lĩnh vực này. Sau đó là ví điện tử (Micro Payment) và nền tảng Live Streaming nhưng chiến lược tiên quyết sẽ trung thành với việc phát triển giá trị cốt lõi của mình là nội dung số chất lượng cao”, nhà sáng lập POPS khẳng định.