Thứ Bảy | 02/02/2013 07:06

Masan Consumer sắp tới sẽ nhắm tiếp công ty nào?

Masan Consumer đã chi hơn 3.000 tỷ đồng mua cổ phần 3 công ty chỉ trong 4 tháng. Liệu sẽ có công ty nào tiếp tục về với Masan?
Chia sẻ trong bức thư phát đi hồi tháng 6/2012 với đề "Từ đêm tối đến bình minh", Tổng giám đốc của Masan - ông Madhur Maini tuyên bố "đang chuẩn bị những động thái để tấn công mạnh vào lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam".

Theo đó, doanh nghiệp này chuẩn bị thiết lập Masan Consumption để nắm giữ hoạt động kinh doanh thực phẩm và đồ uống và thâm nhập vào các mảng kinh doanh gắn liền với tiêu dùng như y tế, bán lẻ và nông nghiệp... Mục tiêu đề ra cho Masan Consumption là phải "dẫn đầu thị trường trong các ngành hàng tiêu dùng ngoài thực phẩm và đồ uống".

Đến đầu năm 2013, Masan Consumer có cơ hội khi tập đoàn Kohlberg Kravis Roberts (KKR) của Mỹ thông báo rót tiếp 200 triệu USD (khoảng 4.180 tỷ đồng), nâng tổng số tiền đã đầu tư vào công ty này lên 359 triệu USD (khoảng 7.500 tỷ đồng).

Sau khi được quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ "hậu thuẫn" về mặt tài chính, Masan Consumer có đủ điều kiện tuyên bố rằng, họ sẽ coi đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là nhiệm vụ chiến lược.

Vậy nguyên nhân nào để Masan Consumer chọn cho mình hướng đi chiến lược là đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh? Lý do chỉ có thể là, lĩnh vực này đầy hứa hẹn với một thị trường đông dân và có thu nhập ngày càng tăng như Việt Nam.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của ACNielsen, Việt Nam hiện là có thị trường hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng nhanh nhất trong 13 nước khảo sát với mức tăng trưởng về lượng là 11% và giá trị là 23% (số liệu tới hết tháng 6/2012).

Việt Nam có thị trường hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng nhất
Việt Nam có thị trường hàng tiêu dùng nhanh tăng trưởng nhất (Nguồn: ACNielsen).

Đặc biệt, báo cáo của ACNielsen cũng cho hay, trong 6 nhóm thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, đồ uống có mức tăng trưởng cao nhất với 15% về lượng và 28% về giá trị, cao hơn cả các sản phẩm từ sữa, thực phẩm, thuốc lá...
Đồ uống tăng trưởng mạnh nhất
Đồ uống tăng trưởng mạnh nhất trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (Nguồn: ACNielsen)

Ngoài ra, mức tăng giá của nước uống đóng chai (hộp) cũng lớn nhất trong 37 mặt hàng mà ACNielsen khảo sát, khi tăng tới khoảng 40%, so với mức trung bình 5-10%.

Nước uống đóng chai (hộp) có mức tăng giá trị mạnh nhất
Nước uống đóng chai (hộp) có mức tăng giá trị mạnh nhất (Nguồn: ACNielsen)

Với niềm năng này, sau khi đã sở hữu tới 53,2% cổ phần tại Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa ( VCF) - đang dẫn đầu thị phần cafe hòa tan tại Việt Nam, Masan Consumer lại tiếp tục đầu tư vào một công ty đồ uống khác ngay sau khi có khoản tiền "khổng lồ" từ nhà đầu tư.

Theo đó, Masan Consumer mua lại 24,9% cổ phần của công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo với giá khoảng 85.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị thương vụ khoảng hơn 170 tỷ đồng, một nguồn tin cho hay.

Trong thị trường nước uống đóng chai của Việt Nam, 4 thương hiệu lớn gồm Aquafina (Pepsi), La Vie, Dasani (Coca-Cola) và Vĩnh Hảo đang dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở Vĩnh Hảo là công ty này có sự tiêu thụ vượt trội ở loại sản phẩm nước tinh khiết bình lớn dành cho các hộ gia đình, doanh nghiệp.

Nguyên nhân có thể một phần do giá cả. Theo báo giá của Vĩnh Hảo, 1 bình nước tinh khiết Vihawa 20 lít có giá 35.000 đồng, 1 bình nước khoáng Vĩnh Hảo 20 lít có giá 48.000 đồng. Trong khi đó, 1 bình nước khoáng thiên nhiên 19 lít của La Vie có giá là 48.000 đồng/bình. Aquafina và Dasani hiện nay đều chưa có loại bình cỡ lớn.

Bên cạnh đó, Vĩnh Hảo còn có một bề dày lịch sử hơn hẳn các thương hiệu khác. Đây là nhãn hiệu nước khoáng nội địa đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với sự đầu tư ban đầu của Pháp. Năm 1930, sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo đã được xuất khẩu sang các nước Đông Dương và sang cả Pháp.

Tuy nhiên, do thiếu các chiến lược marketing như đối thủ Aquafina hay La Vie, Vĩnh Hảo dần để mất thị phần của mình. Song, với sự đầu tư mới của Masan Consumer, đơn vị đã thu được nhiều thành công ở lĩnh vực này như dẫn đầu thị trường với các sản phẩm nước mắm, nước tương, cà phê hòa tan, có thể trông chờ vào một tương lai mới của Vĩnh Hảo.

Tổng hợp các thương vụ đầu tư của Masan Consumer
Tổng hợp các thương vụ đầu tư của Masan Consumer
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011 của Masan Consumer/Tổng hợp/GAFIN

Song, chắc chắn câu chuyện đầu tư của Masan Consumer chưa dừng lại ở đây. Nắm trong tay hơn 3.390 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền tính tới hết tháng 9/2012, cộng với hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư mới của KKR, câu hỏi mà nhiều người đặt ra bây giờ sẽ là "Masan Consumer sẽ nhắm công ty nào là mục tiêu sắp tới?"

Nguồn Khampha


Sự kiện