Thứ Bảy | 09/02/2013 13:00

Masan Consumer muốn thâu tóm toàn bộ Vĩnh Hảo

Lộ trình chào mua công khai sẽ bắt đầu từ 25/2 đến 26/3/2013. Masan Consume dự chi tối đa cho đợt "thâu tóm" 700 tỷ đồng.
Tham vọng thâu tóm toàn bộ Vĩnh Hảo

Trong những ngày đầu năm mới, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) thu ròng hơn 2.200 tỷ đồng từ KKR - quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng của Mỹ.

Ngay sau đó, Masan Consumer đã hiện thực hóa khoản đầu tư của mình bằng việc đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FCMG).

Đối tượng đầu tiên được Masan Consumer nhắm tới là Công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo - thương hiệu nước uống đóng chai lâu đời nhất tại Việt Nam (chiếm khoảng 23% thị phần trong nước).

Do đã nắm trên 25% cổ phần tại Vĩnh Hảo, nên theo luật, Masan Consumer bắt buộc phải chào mua công khai nếu muốn thâu tóm công ty này.Giá chào mua công khai Vĩnh Hảo sẽ không được thấp hơn giá bình quân được ít nhất 2 công ty chứng khoán thường xuyên yết giá trong thời 60 ngày liền trước ngày gửi bản đăng ký chào mua hoặc giá Vĩnh Hảo chào bán cổ phần trong lần gần nhất.

Cuối tháng 1/2013, 24,9% cổ phần của Vĩnh Hảo đã về tay Masan Consumer với mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu. So với giá của Vĩnh Hảo trên thị trường OTC trước khi công bố việc mua bán, Masan Consumer đã trả giá gấp 3,5 lần. Tổng giá trị thương vụ này khoảng 171 tỷ đồng.

Ngày 5/2, Hội đồng quản trị Masan Consumer thông qua nghị quyết để nâng mức sở hữu lên 100% tại một công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh. Theo nguồn tin từ công ty này, Masan Consumer sẽ không thực hiện mua cổ phần của công ty khác mà mục tiêu vẫn là Vĩnh Hảo, với kế hoạch tiếp tục thu mua cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên tối đa 100%. Ngân sách chi cho đợt "thâu tóm" này tối đa 700 tỷ đồng.

Lộ trình chào mua công khai sẽ bắt đầu từ 25/2 đến 26/3/2013. Số cổ phần dự kiến chào mua là hơn 6 triệu, tương đương 75,1% vốn điều lệ Vĩnh Hảo. Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVS) sẽ là đại lý cho đợt chào mua này.

Ngay sau khi có tin được Masan Consumer đầu tư, giá cổ phiếu Vĩnh Hảo trên thị trường OCT đã tăng gấp 2 - 2,5 lần (từ 25.000 đồng/cổ phiếu lên 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu).
Vĩnh Hảo là ai?

Vĩnh Hảo là nhãn hiệu nước khoáng nội địa đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với sự đầu tư của Pháp. Năm 1930, sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo đã được xuất khẩu sang các nước Đông Dương và sang cả Pháp.

Trong thị trường nước uống đóng chai của Việt Nam, Vĩnh Hảo là một trong 4 thương hiệu lớn cùng với Aquafina (Pepsi), La Vie (liên doanh giữa Perrier Vittel - Pháp (sở hữu 65% vốn), thuộc tập đoàn Nestlé và công ty thương mại tổng hợp Long An Việt Nam), Dasani (Coca-Cola).

Năm 2011, Vĩnh Hảo đạt 384,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với năm 2010 và bằng 53% doanh thu của đối thủ La Vie. Năm 2013, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 475,9 tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện năm 2011. Cổ tức dự kiến 20%, so với mức 10% của năm trước.

Doanh thu Vĩnh Hảo. Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011

Điều đặc biệt ở Vĩnh Hảo là công ty này có lượng tiêu thụ vượt trội ở loại sản phẩm nước tinh khiết bình lớn dành cho các hộ gia đình, doanh nghiệp. Nguyên nhân có thể một phần do giá cả.

Theo báo giá của Vĩnh Hảo, 1 bình nước tinh khiết Vihawa 20 lít có giá 35.000 đồng, 1 bình nước khoáng Vĩnh Hảo 20 lít có giá 48.000 đồng. Trong khi đó, 1 bình nước khoáng thiên nhiên 19 lít của La Vie có giá là 48.000 đồng/bình. Aquafina và Dasani hiện nay đều chưa có loại bình cỡ lớn.

Sản lượng tiêu thụ Vĩnh Hảo. Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011

Những cổ đông Masan Consumer sẽ phải chào mua

Theo báo cáo thường niên năm 2011, Vĩnh Hảo có 3 cổ đông lớn nắm 75,4% vốn điều lệ bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - nắm 20,16% cổ phần, Gemadept nắm 29% và BI Private Equity New Market K/S (PENM) nắm 26,27%.

Tháng 1/2013, phần vốn góp của Công ty cổ phần Gemadept ( GMD) đã được Masan Consumer mua lại (khi đó, Gemadept nắm giữ 24,9% cổ phần Vĩnh Hảo). Trong khi đó, PENM hiện cũng là cổ đông tại Masan Group (nắm 4,8% cổ phần).

Ngoài ra, ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng sở hữu 4,2% cổ phần công ty. Ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch VietABank hiện cũng là Chủ tịch tại Vĩnh Hảo. Các cổ đông khác gồm ông Trần Duy Hy (nắm 2,22%) và khác nắm 13,86%.

Cơ cấu cổ đông Vĩnh Hảo. Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2011
Báo cáo thường niên năm 2011

Như vậy, trong đợt chào mua này, Masan Consumer sẽ phải đàm bán với nhiều tổ chức là "ông lớn" trên thị trường. Mặt khác, với mức giá đã trả cho cổ đông cũ Gemadept, SCIC, VietABank hay PENM cũng hứa hẹn thu được nguồn tiền đáng kể nếu đồng ý bán (Gemadept thu về khoảng 140 tỷ đồng từ bán cổ phần của Vĩnh Hảo).

Nguồn Khampha


Sự kiện