Vinamilk vẫn chiếm thị phần cao nhất ngành sữa với 43,3%. Ảnh: Quý Hoà
M&A để phòng thủ nhưng ngành sữa tiếp tục đón thêm nhiều đối thủ mới
Dịch bệnh kéo dài vẫn không khiến các thương vụ M&A trong ngành sữa hạ nhiệt, trong khi nhiều thương hiệu mới cũng chào sân.
Lực đẩy M&A
Giữa năm 2020, Vinamilk đã chính thức giữ 75% cổ phần và nắm quyền chi phối Công ty Cổ phần GTNFoods, qua đó sở hữu Mộc Châu Milk, một thương hiệu chiếm thị phần khá lớn tại miền Bắc.
Đến tháng 8.2020, Công ty Cổ phần Blue Point cùng Công ty Chứng khoán Bản Việt đã mua thành công cổ phần của Công ty Sữa Quốc tế (IDP) từ nhóm VinaCapital. Qua đó, Blue Point đã tăng sở hữu tại IDP lên hơn 80% vốn với tham vọng tạo thế lực mới trên thị trường. Giữa lúc đó, nhiều thương hiệu mới trong nước cũng đang phát triển nhanh và liên tục đưa ra nhiều dòng sữa mới như VitaDairy hay NutiFood.
Theo Euromonitor, thị trường sữa Việt Nam ước tính đạt 135.000 tỉ đồng trong năm 2020, tăng hơn 8% so với năm 2019, nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh của các ngành hàng sữa chua và sữa uống.
Nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm sữa ít bị ảnh hưởng hơn bởi COVID-19, khi chỉ giảm 6,1% về giá trị so với mức giảm 7,5% đối với tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung. Dù trong giai đoạn giãn cách xã hội, các trường học trên toàn quốc đã phải đóng cửa gần 3 tháng, lượng tiêu thụ sữa vẫn ổn định do người dân tăng cường sử dụng sữa tươi và sữa chua để tăng khả năng miễn dịch.
Thậm chí, dịch COVID-19 còn là nhân tố giúp các công ty sữa cải thiện biên lợi nhuận. Do dịch bệnh, giá sữa nguyên liệu duy trì ở mức thấp trong năm 2020. Ngoài ra, giá dầu lao dốc cũng giúp giảm chi phí đóng gói và vận chuyển. Các yếu tố này hỗ trợ tỉ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa.
Hiện chưa có báo cáo doanh thu cả năm nhưng doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa là Vinamilk ghi nhận tăng trưởng doanh thu 3% nhưng lợi nhuận đã tăng gần 8% sau 9 tháng đầu năm 2020. Ước tính tới cuối năm 2020, Vinamilk vẫn chiếm thị phần cao nhất ngành sữa với 43,3%. Nếu tính thêm cả Mộc Châu Milk, hai doanh nghiệp này chiếm hơn 45% thị trường.
Đứng sau Vinamilk là FrieslandCampina với 15,8%, còn lại các doanh nghiệp khác nắm dưới 10% thị phần. Tốc độ tăng trưởng lượng tiêu thụ sữa mặc dù ở mức dương nhưng thấp, đạt 2,1-3,9% so với năm trước. Trong số các mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm từ sữa chiếm 13% tổng sản lượng tiêu thụ.
Quá trình hợp nhất ngành sữa sẽ tiến triển nhanh sau các thương vụ M&A. Chẳng hạn, Mộc Châu Milk được cho là lột xác sau khi về với Vinamilk khi có lãi ròng 9 tháng đầu năm 2020 tăng 68%, hay IDP đạt 151 tỉ đồng lợi nhuận ròng nửa đầu năm ngoái, so với 113 tỉ đồng trong năm 2019.
Những đối thủ mới
Mặc dù Vinamilk đang đứng đầu phân khúc sữa bột nhưng lại gặp không ít khó khăn do các đối thủ nhỏ hơn như NutiFood, Dutch Lady và TH true Milk, VitaDairy liên tục tung ra sản phẩm mới. Cụ thể, dù theo sau Vinamilk ở phân khúc sữa bột nhưng nhờ sản phẩm đặc thù, kết hợp với mức giá trung bình thấp hơn 10-15% so với đối thủ, NutiFood và VitaDairy đang dần có được thị phần tăng trưởng tốt trên phân khúc này.
Trong phân khúc sữa bột, đặc biệt sữa công thức cho trẻ em, VitaDairy đang phát triển nhanh. Bà Nguyễn Thị Hà, CEO VitaDairy, cho biết Công ty tăng trưởng 270% so với năm 2019. Năm 2021, Công ty vẫn tiếp tục mở rộng các nhóm sản phẩm có bổ sung sữa non ColosIgG 24h.
Trong mảng sữa nước, thị trường có thêm đối thủ khi NutiFood ra mắt thương hiệu NutiMilk sau 2 năm tiếp quản từ Hoàng Anh Gia Lai, thậm chí NutiFood còn tham vọng lấn sân thị trường châu Âu sau Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Tập đoàn Masan ra mắt sữa ngũ cốc ca cao lúa mạch với thương hiệu B’Fast.
Đánh giá về triển vọng ngành sữa trong năm 2021, SSI Research cho rằng sữa được coi là mặt hàng thiết yếu, nhu cầu từ người tiêu dùng thu nhập thấp vẫn có thể bị ảnh hưởng do COVID-19. Các công ty như Vinamilk và Vinasoy đã ghi nhận hiện tượng cơ cấu sản phẩm bán ra dịch chuyển về phía các sản phẩm giá rẻ trong 9 tháng đầu năm 2020. Ngược lại, sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra do nhóm thu nhập trung bình và cao ít bị ảnh hưởng hơn. Nhóm thu nhập trung bình và cao vẫn sẽ có xu hướng gia tăng tiêu thụ các sản phẩm cao cấp.
Trong trường hợp dịch COVID-19 được kiểm soát vào giữa năm nay và không có thêm đợt giãn cách xã hội toàn quốc, SSI Research ước tính tiêu thụ sữa có khả năng tăng 7%. Theo đó, dự báo tăng trưởng doanh thu lần lượt là 6% cho Vinamilk và 8% cho Mộc Châu Milk tại thị trường trong nước, trong khi doanh thu thị trường nước ngoài ước tính tăng 5-7% từ mức thấp trong năm 2020. Ước tính Vinamilk sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng ổn định 8,8% vào năm 2021. Đối với Vinasoy, SSI Research ước tính tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 7% và 0,6% trong năm nay.
Mặc dù các thương hiệu trong nước thống lĩnh thị trường, nhưng sức ép cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài vẫn đang hiện hữu. Hiệp định EVFTA cũng sẽ loại bỏ các mức thuế 5-20% đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong vòng 3-5 năm tới. Những hãng sữa quốc tế như Abbott, FrieslandCampina, Mead Johnson, Nestlé và nhiều hãng sữa nhỏ hơn khác đều có năng lực tốt về marketing và nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Do vậy, những doanh nghiệp này luôn tạo nguy cơ cạnh tranh cho các đối thủ đầu ngành.
Xuất khẩu sẽ trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng của các hãng sữa nội. Hiện các nhà sản xuất sữa trong nước được xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm Vinamilk, TH true Milk, Vinasoy, Mộc Châu Milk. Mới đây, Vinamilk đã đẩy mạnh đầu tư sang Lào