Lựa chọn hình thức độc quyền vàng
Tuần qua, hàng loạt ngân hàng từ chối mua vào vàng thương hiệu quốc gia (SJC) bao bì cũ. Trước đó, hàng loạt bất cập đã xảy ra với vàng SJC, như sốt giá, chênh lệch 3-4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, giá cao hơn vàng các thương hiệu khác, từ chối mua lại vàng của chính mình, vàng giả, vàng nhái… Tất cả những hiện tượng này xuất hiện sau khi SJC được mặc định là “thương hiệu vàng quốc gia”.
Từng là người ủng hộ chủ trương Nhà nước độc quyền vàng miếng trước khi quy định trên chưa chính thức có hiệu lực, song khi đó, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN đã cảnh báo, để độc quyền Nhà nước, NHNN phải đảm bảo có thể quản lý và giám sát được thương hiệu này, nếu không sẽ gây lộn xộn trên thị trường.
Những gì diễn ra trên thị trường hiện nay cho thấy, lời cảnh báo trên là có cơ sở. Dù SJC hiện đã trở thành thương hiệu vàng miếng độc quyền của Nhà nước, song NHNN vẫn chưa thể quản lý chặt được thị trường vàng.
TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Tại sao có chuyện thị trường vàng không được định giá theo tuổi của vàng, tức ở chất lượng, mà lại định giá bằng nhãn hiệu? Bởi vàng SJC hoàn toàn không phải chất lượng hơn các vàng khác, mà cái giá của nó cao hơn nhiều các thương hiệu khác xuất phát từ việc SJC được công nhận độc quyền. Theo chuyên gia này, độc quyền Nhà nước về vàng miếng trong một số điều kiện là cần thiết, song khi nó biến thành độc quyền, đặc quyền doanh nghiệp, thì sẽ gây ra nhiều bất lợi.
Nhiều doanh nghiệp vàng cũng bức xúc về tình trạng hiện nay, trong khi nhiều thương hiệu vàng khác có giá gần ngang bằng giá thế giới, thì SJC lại có giá cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết: “Nếu là thương hiệu độc quyền của Nhà nước, thì lẽ ra, SJC phải có nghĩa vụ bình ổn thị trường. Song ngược lại, SJC lại đùng đùng sốt giá. Điều này cho thấy, SJC đã vì lợi ích doanh nghiệp, chứ không phải vì lợi ích quốc gia”.
TS. Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng: “Việc NHNN lấy SJC làm thương hiệu độc quyền là không đúng, vì SJC chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh. Việc trao quyền lực này đã khiến thị trường vàng bị xáo trộn”.
Chấm dứt độc quyền vàng của SJC
Thông tin của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho thấy, trên thế giới, không có nước nào chỉ một doanh nghiệp độc quyền vàng, mà có tới 5-10 thương hiệu vàng được cơ quan quản lý cấp phép với những điều kiện khắt khe.
Tuy nhiên, ở điều kiện nước ta, cũng có nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ phương án Nhà nước độc quyền vàng miếng, dĩ nhiên đấy là độc quyền Nhà nước thực thụ.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hé lộ khả năng NHNN sẽ phát hành nhãn vàng riêng, sau khi đã chuẩn hóa được các loại vàng trên thị trường về một thương hiệu (SJC) và chuẩn hóa được mạng lưới kinh doanh vàng miếng.
Dù vậy, dư luận cho rằng, nếu chuyển đổi từ nhãn SJC sang nhãn mác khác, thì NHNN cũng không được giao cho SJC nhiều “đặc quyền” như hiện nay (được kiểm định vàng, được dập vàng theo đơn hàng của NHNN).
Bởi nếu như vậy, việc thay nhãn hiệu chỉ là “bình mới rượu cũ”, SJC không còn là nhãn hiệu độc quyền, nhưng vẫn sẽ là doanh nghiệp độc quyền. Vì vậy, trước khi tung ra nhãn mác riêng, để tránh lặp lại sai lầm, NHNN cần xây dựng đầy đủ các công cụ để quản lý thương hiệu này.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc NHNN vội vàng thừa nhận SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia trong khi thiếu công cụ để quản lý được thương hiệu này chính là lý do khiến SJC làm mưa, làm gió, gây ra nhiều bất ổn trên thị trường thời gian qua.
“Thời gian tới, cần phải có bộ quy chuẩn về vàng miếng thương hiệu quốc gia, đồng thời quy định rõ ràng về chức năng và quy trình thẩm định vàng, tránh vừa đá bóng, vừa thổi còi như SJC hiện nay”, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định.
Không chỉ giới chuyên gia, các doanh nghiệp cũng rất bức xúc về việc thời gian qua, chỉ SJC được độc quyền trong dập vàng và được phép kiểm định tất cả loại vàng trên thị trường. Đặc biệt, qua kiểm định của SJC, nhiều loại vàng đạt chuẩn, bỗng nhiên phải đại hạ giá vì không đạt chuẩn.
Trước băn khoăn của các doanh nghiệp về việc SJC tự kiểm định vàng, tự công bố chất lượng vàng của các doanh nghiệp khác, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã vận động các hội viên thành lập Công ty cổ phần Kiểm định vàng bạc đá quý với vốn điều lệ ban đầu khoảng 10 tỷ đồng tại TPHCM.
Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, hiện Công ty đã có 7 thành viên góp vốn, dự định hoạt động vào năm 2013 tại TPHCM. Một doanh nghiệp kiểm định độc lập cũng cũng dự định được Hiệp hội thành lập tại Hà Nội.
Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp băn khoăn, là không biết kết quả kiểm định của các doanh nghiệp này có được NHNN công nhận, hay NHNN chỉ công nhận máy móc kiểm định của SJC. Có lẽ, sự việc vẫn chưa thể ngã ngũ khi NHNN chưa có bộ phận kiểm định độc lập. Nói cách khác, những bất ổn trên thị trường vàng sẽ còn tái diễn nếu còn tình trạng nhập nhèm độc quyền Nhà nước với độc quyền doanh nghiệp như hiện nay.
Nguồn Báo Đầu tư