Lợi thế cạnh tranh của Hòa Phát là gì?
Xuất thân là doanh nghiệp chuyên kinh doanh máy móc xây dựng từ năm 1992, Hòa Phát đã vươn mình trở thành một tập đoàn tư nhân đa ngành với thế kiềng 3 chân được cấu thành bởi thép, nội thất và bất động sản. Trong đó, thép hiện là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng góp khoảng 78% tổng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn.
Thế thượng phong của thép Hòa Phát trong thị trường vật liệu xây dựng hiện nay được gầy dựng từ tư duy tổ chức sản xuất đồng bộ theo chiều dọc, với nền tảng là khu liên hiệp gang thép được mở rộng liên tục trong 7 năm qua. Cuối năm ngoái, Tập đoàn Hòa Phát cũng đưa vào hoạt động giai đoạn 2 của dự án này tại Kinh Môn, Hải Dương, nâng tổng công suất lên hơn 1,15 triệu tấn một năm.
Có lẽ, suất sinh lời đáng mơ ước của Hòa Phát trong thời điểm thị trường xây dựng và bất động sản vẫn đang vật vờ hồi phục chính là nguyên nhân khiến các công ty sản xuất thép khác phải ganh tị. Trong khi gần một phần tư doanh nghiệp thép niên yết trên sàn công bố lỗ và một vài trong số đó đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc, thì lợi nhuận biên ròng của Hòa Pháp là hơn 10%. Năm ngoái, tập đoàn này lãi sau thuế hơn 2.000 tỉ đồng trong khi quý I/2014, lợi nhuận gộp cũng đã gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Nếu chưa kể đến việc mua được nguồn quặng giá rẻ, theo như khiếu nại của các công ty khác, chỉ riêng việc chủ động được nguồn nhiên liệu vô cùng quan trọng trong luyện thép là than cốc cùng nhà máy mới theo công nghệ lò cao hiện đại đã có thể giúp giá thành sản xuất của Hòa Phát thấp hơn đối thủ ít nhất 5%, theo Công ty Chứng khoán CIMB. Hiện nay, trong tổng công suất thiết kế 1,15 triệu tấn của Hòa Phát, nhà máy lò cao này đóng góp khoảng 850.000 tấn.
Phải nói, công nghệ lò cao của Hòa Phát là hàng hiếm ở Việt Nam hiện nay, mặc dù đây là công nghệ tiên tiến được sử dụng rộng rãi ở các nước phát triển vì đặc tính tiết kiệm điện năng so với công nghệ lò điện vốn phổ biến ở Việt Nam từ mấy chục năm nay.
Nằm cạnh Trung Quốc, nơi có nhu cầu quặng sắt hằng năm lên tới 1,5 tỉ tấn, cao hơn cả tổng trữ lượng 1,3 tỉ tấn hiện nay của nước ta, việc Chính phủ cấm xuất khẩu mặt hàng này để tránh thất thoát tài nguyên và đảm bảo an ninh khoáng sản là điều đúng đắn. Với tư duy đó, Hòa Phát đã tiên phong ứng dụng công nghệ lò cao, vốn sử dụng nguyên liệu đầu vào quặng sắt thay vì thép phế liệu như công nghệ cũ. So với quy mô thị trường khoảng 5 triệu tấn thép một năm ở Việt Nam, trữ lượng 1,3 tỉ tấn quặng sắt là đáng kể.
Sau quyết định cấm xuất khẩu quặng sắt từ đầu năm 2012, giá quặng trong nước đã giảm gần một nửa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp biết đi tắt đón đầu chính sách như Hòa Phát có thể mua được nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn. Đó là nền tảng để hạ giá thành nhằm cạnh tranh sòng phẳng với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, công nghệ lò cao sử dụng ít điện năng hơn còn giúp vị thế cạnh tranh của Hòa Pháp được củng cố hơn nữa, khi mà lợi thế giá điện rẻ hơn so với khu vực của Việt Nam có thể biến mất trong tương lai.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán CIMB, việc kết hợp công nghệ lò cao của của nhà máy mới với nguồn quặng đầu vào giá rẻ, chi phí sản xuất phôi thép của Hòa Phát có thể thấp hơn ít nhất 10% so với các công ty nội địa khác sử dụng công nghệ lò điện. Ngoài ra, nếu so với phôi thép nhập khẩu, sản phẩm của Hòa Phát cũng rẻ hơn khoảng 16%. Đây thực sự là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Hòa Phát để chiếm lĩnh thị phần.
Giữa lúc ngành thép bị bủa vây bởi hàng Trung Quốc nhập khẩu khiến lượng cung áp đảo nhu cầu, chỉ trong 5 năm, thị phần của Hòa Phát đã tăng gần gấp đôi từ 9% năm 2009 lên 17% như hiện tại. Cũng giống như Hoa Sen Group trong phân khúc tôn và ống thép, Hòa Phát đã biết tận dụng lợi thế về hệ thống phân phối cùng chính sách chiết khấu hợp lý nhằm biến khủng hoảng thành cơ hội để tạo lập vị thế trong thị trường.
Về mặt vốn, điểm chung của các doanh nghiệp trong ngành thép là đều cần một lượng vốn rất lớn để đầu tư nhà máy. Phần lớn số vốn này phải đi vay, nên tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trung bình của các công ty thép trên sàn hiện nay khoảng 2,7 lần. Trong khi đó, nợ vay của Hòa Phát chỉ bằng 0,8 lần vốn chủ sở hữu. Đây là một lợi thế rất lớn cho Hòa Phát trong việc duy trì lợi nhuận.
Ngoài ra, nhờ dòng tiền hoạt động dồi dào cùng kế hoạch chi tiêu vốn hợp lý, trong 2 năm gần đây, dòng tiền tự do của Hòa Phát luôn duy trì ở mức cao, đảm bảo cho Công ty có thể giảm thêm nợ gốc và lãi trong các năm tiếp theo.
Phải nói, ngành thép không phải là sân chơi dễ dàng cho những tay mơ với quy mô nhỏ và thiếu liên kết trong chuỗi sản xuất. Những doanh nghiệp lớn được đầu tư bài bản như Hòa Phát sẽ còn nắm thế thượng phong một thời gian dài nữa, khi mà càng mở rộng quy mô, họ càng thu được nhiều lợi nhuận hơn và càng tăng khả năng cạnh tranh trong ngành.
Nếu đón đầu chính sách có thể tạo ra được lợi thế cạnh tranh như ở Hòa Phát thì đây chính là gợi ý mà nhiều công ty khác ở Việt Nam nên học hỏi.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư