Áp lực chi phí lãi vay của các doanh nghiệp bán lẻ cũng được đánh giá là sẽ lắng xuống. Ảnh: TL.

 
Nhật Anh Thứ Ba | 18/07/2023 17:25

Lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy

Kể từ quý IV/2022, lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đã giảm sút đáng kể do gặp nhiều khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô.

Xuất khẩu sụt giảm buộc doanh nghiệp phải sa thải công nhân. Lạm phát leo thang càng gây áp lực lên thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, do đó người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu không thiết yếu. Môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng càng đè nặng lên tiêu dùng không thiết yếu. 

Lạm phát khiến tiêu dùng giảm đồng thời cũng gây áp lực lên chi phí cho các doanh nghiệp bán lẻ. Chi phí logistics và chi phí lao động tăng, nhưng doanh nghiệp khó chuyển phần tăng này cho người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu yếu. Thậm chí, các doanh nghiệp bán lẻ ICT và CE (điện thoại di động và điện máy) phải giảm giá bán nhiều hơn để thúc đẩy doanh thu, qua đó giảm hàng tồn kho và bảo toàn dòng tiền. Do đó, tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ trong lĩnh vực này đều bị siết chặt.

 

Theo góc nhìn của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research, tiêu dùng không thiết yếu dự kiến sẽ vẫn yếu ít nhất là cho đến hết quý II/2023 và quý III/2023 do những khó khăn trong nền kinh tế vĩ mô. Mặc dù lạm phát có thể đã đạt đỉnh vào quý I/2023, nhưng điều này là do tiêu dùng kém hơn chứ không phải do sự cải thiện từ phía cung. 

“Bất chấp chính sách tiền tệ ôn hòa của Chính phủ, chúng tôi cho rằng lạm phát có thể được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu của Chính phủ, do đó lãi suất có thể sẽ có dư địa giảm thêm”, SSI Research nhìn nhận. 

 

Lãi suất huy động có xu hướng giảm từ tháng 4 (200-300 điểm cơ bản so với đầu năm), trong khi lãi suất cho vay giảm với tốc độ nhẹ hơn tùy thuộc vào mức độ rủi ro của người đi vay (50-200 điểm cơ bản so với đầu năm). SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động sẽ giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản vào cuối năm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay dự kiến sẽ phần nào bắt kịp tốc độ cắt giảm lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2023, qua đó giúp giảm bớt áp lực trả lãi vay mua nhà đối với người tiêu dùng. Đồng thời với sự phục hồi trong xuất khẩu (dự kiến vào quý IV/2023), sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng từ cuối năm 2023 đến năm 2024.

Áp lực chi phí lãi vay của các doanh nghiệp bán lẻ cũng được đánh giá là sẽ lắng xuống trong nửa cuối năm 2023, cùng với đà giảm của lãi suất cho vay cũng như mức tồn kho thấp hơn.

SSI Research cho rằng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 xét về giá trị tuyệt đối và các doanh nghiệp bán lẻ đang trên đà phục hồi. “Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tích cực trở lại từ quý IV/2023 đến năm 2024. Sự phục hồi lợi nhuận có thể được thúc đẩy nhờ (1) đẩy mạnh giải ngân các khoản vay tiêu dùng, (2) điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện, (3) các công ty có tình hình tài chính vững mạnh tăng thêm thị phần và (4) tỉ suất lợi nhuận cải thiện nhờ mức tồn kho thấp hơn sau đợt cạnh tranh gay gắt về giá trong quý II/2023”, SSI Research nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Một doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp báo lãi gấp hơn 3 lần trong quý II