Lo thiệt hại tài chính từ ký quỹ bảo vệ môi trường
Đây là nội dung được hầu hết DN khẳng định tại Hội thảo "Lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2014" vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Chương IX, Dự thảo Nghị định quy định về quản lý chất thải và phế liệu, yêu cầu các DN ký quỹ đảm bảo phế liệu nhập khẩu. Khoản ký quỹ được quy định là 80% tổng giá trị hàng phế liệu nhập khẩu.Mục đích để đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm khắc phục các rủi ro môi trường do việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT trong hoạt động nhập khẩu phế liệu.
Khoản chi phí này sẽ được hoàn trả cho tổ chức cá nhân và DN khi hoàn tất các thủ tục thông quan đối với phế liệu nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc ký quỹ với số tiền bằng 80% tổng giá trị lô hàng phế liệu đã vấp phải phản ứng từ ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.
Ông Sưa đưa ra thực tế, năm 2013, ngành thép sản xuất 5,5 triệu tấn thép thô. Năm 2014, dự tính sản lượng là 6 triệu tấn thép thô. Trong đó, 80-90% sản lượng thép thô luyện bằng công nghệ lò điện hồ quang, nguyên liệu chính là sắt thép phế.
Thực tế trên dẫn tới việc "Hàng năm, DN phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế với số tiền là 1,4 tỷ USD. Như vậy, số tiền ký quỹ lên tới trên 1 tỷ USD, tương đương 23.000 tỷ đồng. Đó là gánh nặng quá lớn đối với DN ngành thép", ông Sưa nói.
Trong khi đó, ông Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng, có loại phế liệu xử lý hậu quả mất nhiều tiền, có loại mất ít tiền. Do đó, Ban Soạn thảo nên nghiên cứu và xây dựng cơ sở quy định cụ thể đối với từng phế liệu.
Trước phản ứng từ DN, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc xây dựng văn bản phải hài hòa lợi ích các nhóm đối tượng khác nhau và phải hài hòa giữa BVMT và phát triển kinh tế - xã hội. Quy định ký quỹ bảo vệ môi trường là việc "cực chẳng đã" phải làm.
Lý do ông An đưa ra là, một số doanh nghiệp nhập phế liệu rồi để bừa bãi ở các kho bãi, cảng, gây ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù vậy, ông An cũng khẳng định, Ban Soạn thảo đã cân nhắc xem xét giảm mức ký quỹ về 50%, thay vì 80% như trước.
Tuy nhiên, theo phân tích của ông Sưa, ngày cả mức ký quỹ giảm xuống 50%, thì số tiền mà các DN ký quỹ cũng sẽ lên tới trên 500 triệu USD. Trong khi đó, các DN thép trong nước phần lớn là DN nhỏ, vốn ít, khả năng cạnh tranh thấp, nếu gánh thêm khoản phí này, thì sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại.
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều từ phía DN. Tuy nhiên, theo thống kê của ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), trong số 38 kiến nghị của DN do VCCI gửi lên, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ tiếp thu 16 kiến nghị. Tỷ lệ này không cao hơn so với các luật khác, thậm chí còn thấp hơn nhiều.
Nguồn NDH.vn