Năm 2020 là năm lên ngôi của 3 ngành hàng gồm bán thức ăn nhanh, bán thức ăn mang đi và bán thức ăn cho người đi xe ô tô. Ảnh: camnangkhoinghiep.

 
Minh Anh Thứ Hai | 22/02/2021 09:58

Lĩnh vực thức ăn nhanh đang "lên ngôi"

Tiềm năng phát triển trong lĩnh vực thức ăn nhanh được dự báo tăng từ 5%-6%/năm trong giai đoạn 2020-2025 như nhận định và đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế.

Trong bối cảnh phong tỏa, nhà hàng và quán bar đóng cửa đồng thời lệnh giới nghiêm được ban hành, năm 2020 là năm lên ngôi của 3 ngành hàng gồm bán thức ăn nhanh, bán thức ăn mang đi và bán thức ăn cho người đi xe ô tô. Dự kiến, ngành này sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn trong 2021.

Dịch chuyển nhờ đại dịch

Sau thời gian khó khăn vì dịch COVID-19, người tiêu dùng đang có thói quen chuyển từ ăn uống bên ngoài sang tại nhà khiến các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là thực phẩm mang đi phát triển mạnh mẽ.

Lĩnh vực này liên tục có sự chuyển mình theo hướng của thị trường. Từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng gồm nhà, xưởng, kho tàng, bến bãi đến hiện đại hóa quy trình sản xuất và quản trị doanh nghiệp.

Đặc biệt hơn, người tiêu dùng đang ngày càng có xu hướng chú trọng hơn tới các thực phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm hữu cơ hay những thành phần dinh dưỡng lành mạnh, tiện dụng... Một khảo sát nhanh do Vietnam Report mới tiến hành cuối năm 2020 cho thấy, trước sức ép của dịch COVID-19, 50% khách hàng đã chi tiêu nhiều hơn cho các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cũng như các thực phẩm sạch, lành mạnh... Trong khi đó, 63,7% khách hàng lại cắt giảm chi tiêu cho rượu, bia.

Ảnh:
 Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp ngành thực phẩm phải tăng công suất hoạt động lên khoảng 30%. Ảnh: poliva.vn

Theo đó, các doanh nghiệp ngành thực phẩm phải tăng công suất hoạt động lên khoảng 30% nhưng trái lại các doanh nghiệp đồ uống phải giảm năng lực sản xuất xuống dưới mức 80% so với trước khi có đại dịch. Rõ ràng rằng, hầu hết các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống đã và đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống cho rằng quy mô doanh nghiệp trong ngành còn khá phân mảnh, tiềm lực tài chính yếu nên khi gặp một cú sốc lớn như COVID-19 thường dễ vào vòng luẩn quẩn do phải xử lý dòng tiền, cắt giảm nhân sự hay cắt giảm chi phí...

Tuy nhiên, về cơ bản, nhu cầu ăn uống của con người là khó thay đổi, khi chấp nhận "sống chung với bão", doanh nghiệp cần đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự, sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường và điều quan trọng là doanh nghiệp học được gì từ những cú sốc như thế này, lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, chia sẻ.

Thế giới cũng tăng theo xu hướng

Cũng theo Công ty nghiên cứu thị trường NPD Group (Mỹ), về nghiên cứu đánh giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình của Pháp năm 2020 được công bố: Lĩnh vực kinh doanh ăn uống nói chung làm ăn thất bát, chỉ đạt doanh số 35,6 tỉ euro năm 2020 và lượng khách mua giảm 35% trong khi năm 2019 doanh thu lên đến 57 tỉ euro. Trong khi, thức ăn nhanh là lĩnh vực duy nhất phát triển trong thị trường kinh doanh ăn uống năm 2020 ở Pháp với 36% người tiêu dùng chọn thức ăn nhanh.

Dịch vụ bán thức ăn mang đi đã từng hoạt động tốt trước đại dịch thì nay chỉ giảm 1/4 doanh số trong khi dịch vụ ăn uống tại bàn giảm tới 50%. NPD Group đánh giá đại dịch COVID-19 chẳng khác gì "cú hích" cho ngành hàng bán thức ăn mang đi. Tính ra dịch vụ bán thức ăn mang đi đã tăng 7% thị phần, thu hút 43% số lượt người mua so với 36% của năm 2019.

Ảnh:
NPD Group dự báo trong năm 2021, xu hướng kinh doanh thức ăn nhanh, thức ăn mang đi và thức ăn do người đi xe ô tô sẽ tiếp tục phát triển. Ảnh: kinhtedubao

Trao đổi với hãng tin AFP, chuyên gia Maria Bertoch làm việc cho NPD Group nhận xét lĩnh vực bán thức ăn mang đi chiếm 15% dịch vụ ăn uống năm 2019 nhưng sang năm 2020 đã tăng lên 30%, nhờ vậy "nhiều cơ sở đã hạn chế được thua lỗ".

Bằng chứng là trong khi tổng số lượt khách mua đã giảm 71% trong lần phong tỏa đầu tiên ở Pháp (từ ngày 17.3 đến 11.5.2020), đến tháng 11 và 12.2020 khách mua chỉ còn giảm 43% vì đã tăng 25% số lượng đơn đặt hàng mang đi và giao hàng bằng xe. Ngoài ra, thời gian hàng thức ăn cũng thay đổi so với trước đại dịch. Trước đây phần lớn thức ăn giao tới nhà được thực hiện vào buổi tối. Còn nay phần ăn trưa đã tăng lên đáng kể, đặc biệt khi các nhà ăn công ty đóng cửa do dịch.

NPD Group dự báo trong năm 2021, xu hướng kinh doanh thức ăn nhanh, thức ăn mang đi và thức ăn do người đi xe ô tô sẽ tiếp tục phát triển trong bối cảnh quy định về làm việc từ xa vẫn còn hiệu lực ở Pháp. Đến mùa hè năm 2022, lĩnh vực ăn uống tại bàn mới thể hồi phục vì "mọi người khát khao trở lại bình thường" như chuyên gia Maria Bertoch nhận xét.

►Thị trường ăn vặt trăm tỉ đô của Trung Quốc: Cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt Nam