Hai nhà sáng lập và điều hành Leflair là ông Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun. Ảnh:TL
Leflair chớp nhoáng hơn
Sau khi nhận thêm 7 triệu USD, Leflair nhanh chóng mở rộng ra Đông Nam Á, mục tiêu đầu tiên là Philippines.
Mở rộng mô hình
Sáng lập và điều hành Leflair là ông Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, cả hai đều có kinh nghiệm vận hành thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á khi còn làm ở Lazada Group.
Vòng gọi vốn mới có sự tham gia của GS Shop và Belt Road Capital Management, nâng tổng số tiền Leflair gọi được sau hơn 4 năm là 12 triệu USD. Con số trên khá khiêm tốn trong cuộc đua thương mại điện tử ở Việt Nam, nhưng do mô hình tập trung vào tập khách hàng “chịu chi” giúp Leflair an toàn trong cuộc chiến khốc liệt giành thị phần trong thời gian qua.
Cụ thể, flash-sale là mô hình bán hàng giảm giá giống với mô hình mua theo nhóm, từng rầm rộ ở Việt Nam giai đoạn 2010-2012. Khác biệt ở chỗ, chương trình bán hàng giảm giá từ các trang mua theo nhóm kết thúc khi hết hàng, flash-sale kết thúc khi hết thời gian quy định. Để tăng thêm sức hút, các mặt hàng của Leflair là hàng có thương hiệu, khá hiếm và nhập số lượng đủ để có mức giá tốt và độ hút hàng nhất định.
Do các mặt hàng của Công ty đều là có thương hiệu và Leflair là trang duy nhất hoạt động theo mô hình này ở Việt Nam nên tỉ lệ khách hàng quay lại khá cao. Giống với các mô hình thương mại điện tử khác, Leflair không tốn tiền mở cửa hàng nên dễ đưa ra giá tốt so với các cửa hàng truyền thống. Nhưng lợi thế lớn nhất của mô hình này sớm khoanh vùng phân khúc cao cấp và nhóm khách hàng nhất định. Điều này dẫn đến chi phí quảng cáo, theo ông Gautier, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Công ty, là thấp hơn rất nhiều so với các trang thương mại điện tử phục vụ số đông.
“Phần lớn khách hàng trung thành của chúng tôi là nữ, chi tiêu trung bình 110 USD/tháng”, ông Gautier nói. Người đứng đầu Leflair muốn nhân rộng mô hình này ở Đông Nam Á và điểm đến đầu tiên là Philippines. Cũng giống như Việt Nam, các nước Đông Nam Á khác cũng khát hàng có thương hiệu trong nhiều năm qua, khi các nhãn hàng nội địa không đáp ứng được nhu cầu và tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Không chia sẻ cụ thể, mô hình Leflair ở Philippines gần như không khác ở Việt Nam: tập trung vào hàng có thương hiệu, số lượng vừa đủ để Công ty có giá tốt và độ hút hàng nhất định. Các khoản đầu tư mới sẽ được dùng để bổ sung danh mục hàng hóa và đầu tư vào con người, kho bãi. Hiện Công ty có 2 kho hàng ở Singapore và Hồng Kông.
“Chúng tôi cam kết sẽ mở rộng thêm những kho hàng quốc tế đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật, để mang thêm các thương hiệu mới, đồng thời cải thiện trải nghiệm mua hàng nhập khẩu khác tại Leflair”, ông Gautier nói.
Đầu tư cho tương lai
Trên thực tế, các trang như Leflair nếu tối ưu chi phí tốt, việc có lời sớm hơn các trang thương mại điện tử phục vụ số đông là điều bình thường. Tuy nhiên, theo giám đốc một công ty thương mại điện tử, điểm yếu của mô hình này là không có sự tăng trưởng đột biến về doanh thu.
“Hạn chế về nguồn hàng thương hiệu có giá tốt là điểm mạnh nhưng đồng thời là cũng điểm yếu của các trang flash-sale như Leflair”, vị này nói. Để tăng sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, trước mắt các trang như Leflair phải mở rộng quy mô. Xa hơn, việc có nhóm khách hàng nữ đặc thù ở Đông Nam Á sẽ giúp các trang như Leflair có giá trị khi sáp nhập với một trang thương mại điện tử lớn nếu có trong tương lai gần.
Điều này đã từng xảy ra ở Trung Quốc. Năm 2017, Vipshop (mô hình tương tự Leflair ở Trung Quốc) bất ngờ công bố nhận hơn 860 triệu USD đầu tư từ JD và Tencent. Cả 3 thành lập một liên minh thương mại điện tử để chống lại Alibaba, vốn chiếm 57% thị phần trực tuyến ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
JD dù thống trị thị trường điện tử, sản phẩm trẻ em và hàng tiêu dùng nhanh trực tuyến nhưng lại bị Alibaba bỏ xa về mảng thời trang. Tuy nhiên, Vipshop lại khác, theo CNBC, lợi nhuận của Vipshop bỏ xa Tmall hay Taobao nhờ vào mô hình flash-sale hàng có thương hiệu. Tencent cũng đạt được nhiều ích lợi khi đầu tư vào Vipshop: khai thác tập khách hàng nữ, làm phong phú chức năng thương mại điện tử trên phần mềm WeChat.
Bức tranh thương mại điện tử ở Đông Nam Á hiện nay có rất nhiều điểm tương đồng thị trường Trung Quốc 2 năm trước. Vẫn Tencent (Sea, sở hữu Shopee), JD (đầu tư vào Tiki) cạnh tranh với Alibaba (Lazada), điểm còn thiếu là một cái tên có quy mô lớn như Vipshop. Rất có thể Vipshop trong thời gian tới sẽ mở rộng sang Đông Nam Á và đó là lý do các trang như Leflair phải đi nhanh hết mức.