Ông Nuno Matos, CEO Khối Dịch vụ Ngân hàng Cá nhân và Quản lý Tài sản HSBC Toàn cầu. Ảnh: Quý Hòa
Lãnh đạo HSBC Toàn cầu: Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với các dịch vụ ngân hàng cao cấp
Theo đánh giá của ông Nuno Matos, CEO Khối Dịch vụ Ngân hàng Cá nhân và Quản lý Tài sản HSBC Toàn cầu, chính tầng lớp trung lưu trẻ, năng động và đang gia tăng đông đảo trong nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực đang đưa Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn đối với dịch vụ ngân hàng cao cấp và quản lý tài sản.
Ông đánh giá thế nào về thị trường ngân hàng cá nhân và quản lý tài sản của Việt Nam?
Dân số Việt Nam sắp đạt 100 triệu người và nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, trung bình 6-7% mỗi năm nhờ vào hoạt động thúc đẩy thương mại, đầu tư từ nước ngoài và nhân khẩu học thuận lợi. Một trong những yếu tố cốt lõi là sự gia tăng đông đảo của phân khúc trung lưu. Theo nghiên cứu của chúng tôi, hơn 2 triệu người Việt Nam có thể sở hữu khối tài sản ít nhất 500.000 USD vào cuối thập kỷ này, vượt qua Singapore. Báo cáo Thịnh vượng 2022 của Knight Frank cũng dự báo mức tăng dân số giới giàu là 56% và siêu giàu là 26% trong giai đoạn 2021-2026. Thu nhập cao đồng nghĩa với gia tăng sức cầu đối với các sản phẩm và giải pháp ngân hàng.
Đâu là nhân tố giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng như vậy?
Đầu tiên là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam vào thời điểm quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ trương của Chính phủ nhằm chào đón các nhà đầu tư quốc tế cũng như chiến lược tập trung vào các ngành công nghiệp trọng điểm sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam đang đặt trọng tâm vào “tăng trưởng xanh” để đối mặt với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Năm ngoái tại COP26, Việt Nam đã thực hiện bước tiến quan trọng là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chúng tôi rất vinh hạnh khi được hỗ trợ cho những chủ trương này, thông qua cam kết hỗ trợ thu xếp các hoạt động tài trợ bền vững trực tiếp và gián tiếp lên tới 12 tỉ USD cho Việt Nam và doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030.
Tôi tin rằng nền kinh tế đang chuyển dịch tích cực và Việt Nam sẽ hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Ông nhận định thế nào về tiềm năng tăng trưởng khách hàng cao cấp ở Việt Nam so với các nước trong khu vực?
Sự gia tăng dân số trung lưu ở Việt Nam và Đông Nam Á là những cơ hội rõ ràng cho chúng tôi có thể mở rộng tập khách hàng của mình trong những năm tới đây và hiện thực hóa tham vọng trở thành ngân hàng quản lý tài sản hàng đầu châu Á của Tập đoàn.
Đây là một tham vọng thực hiện trong nhiều năm với khoản đầu tư hơn 3,5 tỉ USD từ HSBC nhằm mở rộng và tăng cường sự hiện diện trên khắp Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, bao gồm Việt Nam.
Cam kết này phản ánh sự lạc quan của chúng tôi đối với châu Á nói chung, nơi chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng tài sản sẽ vượt xa phần còn lại của thế giới. Châu Á đang chiếm 89% trong tổng số 32 tỉ USD tài sản đầu tư mới mà khối dịch vụ của chúng tôi trên toàn cầu mang lại trong quý III năm nay.
Kế hoạch của HSBC cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới là gì?
Hiện tại, HSBC là ngân hàng toàn cầu duy nhất cung cấp dịch vụ khách hàng cá nhân và quản lý tài sản tại Việt Nam. Nhờ vào lợi thế mạng lưới quốc tế và nguồn nhân lực ưu tú, cùng các giải pháp ngân hàng và quản lý tài sản toàn diện, chúng tôi đang đẩy mạnh chiến lược phục vụ phân khúc cao cấp ở Việt Nam có nhu cầu về đặc quyền dành cho gia đình và di trú toàn cầu.
Chúng tôi cũng thấy được sự gia tăng nhu cầu chi tiêu và vay của phân khúc này. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường thẻ tín dụng Việt Nam. Tương tự, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao. Và ở một quốc gia có nền văn hóa ưu tiên việc sở hữu nhà như Việt Nam, chúng tôi cũng sẽ phát triển mảng cho vay bất động sản để hỗ trợ nhu cầu này.
Quan điểm của ông về thế hệ người tiêu dùng tiếp theo - Gen Z là gì?
Thế hệ tiếp theo là những người vô cùng am hiểu công nghệ. Đây là những khách hàng ưu tiên sử dụng dịch vụ ngân hàng số và tương tác rất linh hoạt. Đồng thời, Gen Z cũng rất quan tâm đến sự bền vững, nhận thức rất cao về tác động của biến đổi khí hậu. Gen Z ngày nay đã tạo nên một kiểu văn hóa tiêu dùng mới và chính những khách hàng trẻ tuổi này này sẽ chiếm phần lớn dân số Việt Nam sau 20 năm nữa.
Chúng ta cần hành động hôm nay vì tương lai. Vậy nên, chúng tôi đang số hóa tất cả các dịch vụ và quy trình của mình để đảm bảo rằng mọi dịch vụ mà khách hàng yêu cầu đều có thể được đáp ứng dễ dàng ở bất kỳ nơi đâu.
Đâu là những xu hướng chính định hình tương lai của thị trường ngân hàng cá nhân?
Tôi có thể nhấn mạnh 3 xu hướng chính. Đầu tiên là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Hiện GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 3.600 USD với tốc độ tăng trưởng 10%, cho thấy dân số thu nhập cao đang phát triển với nhu cầu tăng trưởng tài sản nhanh chóng như đầu tư, lập kế hoạch, bảo vệ và các giải pháp giúp họ đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Hiện tại, HSBC là ngân hàng toàn cầu duy nhất cung cấp dịch vụ khách hàng và quản lý tài sản tại Việt Nam. (Ảnh: HSBC) |
Thứ 2 là số hóa các dịch vụ ngân hàng. Khách hàng muốn có nhiều lựa chọn giao dịch ngân hàng dễ dàng ở bất kỳ nơi đâu. Họ cũng rất dễ thích ứng với các giao dịch trực tuyến, không tiếp xúc, ngay cả giao tiếp, làm việc trong môi trường ảo. Đó là lý do tại sao mọi thứ chúng tôi làm ngày hôm nay đều ưu tiên đầu tư vào công nghệ và con người.
Thứ 3 là sự trỗi dậy của ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và tính thiết yếu của hành động bền vững. Ngành ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho một nền kinh tế không phát thải, một phần thông qua việc hỗ trợ các cá nhân đưa ra quyết định đầu tư và tiêu dùng có trách nhiệm hơn nhằm đóng góp xây dựng một xã hội bền vững.