Nguồn ảnh: Nghiên cứu Quốc tế.
Làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư và mua lại doanh nghiệp Việt
"Nhiều công ty sản xuất sản phẩm bị áp thuế nhập khẩu sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và 1 số nước Châu Á khác", Tổng thống Trump viết như vậy trên Twitter.
Thực tế, sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang, ngoài các doanh nghiệp nuớc ngoài đầu tư tại Trung Quốc dịch chuyển thì nhiều doanh nghiệp bản địa của Trung Quốc đang ồ ạt đến Việt Nam và một số nước châu Á khác.
Theo đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, vừa qua một tập đoàn dệt may lớn của Trung Quốc đã qua Long An đầu tư một chuỗi nhà máy khép kín từ khâu sợi, dệt nhuộm, may. Các sản phẩm của nhà máy này sẽ được cung cấp nguồn đầu vào cho các nhà máy dệt may khác của Trung Quốc đang đầu tư vào Việt Nam.
Với nhà máy này, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tạo được lợi thế trước doanh nghiệp Việt, vì có nguồn nguyên liệu đầu vào tại chỗ và được hưởng ưu đãi thuế quan từ CPTPP, EVFTA, và tránh bị áp thuế quan thương mại giữa Mỹ-Trung.
Vài năm trở lại đây nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dệt may Trung Quốc (bao gồm Đài Loan, Hồng Kông) đã đến Việt Nam đầu tư và liên tục mở rộng nhà máy.
Ngoài ngành Dệt may, nhiều ngành khác của Trung Quốc cũng đang tích cực vào Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch Hội da giày TP.HCM, chia sẻ thời gian qua, đã có nhiều đối tác tìm đến Hội Da giày TP.HCM nhờ tư vấn nên đầu tư ở đâu, đầu tư vào cái gì. “Chúng tôi tư vấn họ nên đầu tư vào nguyên phụ liệu vì ngành da giày Việt Nam đang phải nhập từ 75 – 85% nguyên liệu”.
"Tuy nhiên, Hội cũng đề nghị phía Trung Quốc liên kết với doanh nghiệp Việt Nam chứ không nên làm riêng”, ông Nguyễn Văn Khánh nói thêm. Cũng theo ông Khánh, các doanh nghiệp Việt Nam nên liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc để cùng phát triển và tồn tại. Doanh nghiệp Trung Quốc có quy mô lớn và nhiều khách hàng lớn nên họ có lợi thế giá thành sản xuất thấp hơn doanh nghiệp Việt Nam. Hợp tác là phương án tốt nhất cho doanh nghiệp da giày Việt Nam, ông Khánh chia sẻ.
Không chỉ có lĩnh vực dệt may, da giày, lĩnh vực nông nghiệp cũng đang chứng kiến cuộc đổ bộ của doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Hạt điều Gia Bảo, cho biết gần đây doanh nghiệp này nhận được sự ngỏ ý của 3 doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua công ty hoặc tham gia cổ phần và nhường phần điều hành công ty, nhưng ông Sơn đã từ chối. Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang được ngỏ ý mua lại.
Một số lĩnh vực khác như, lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, thép xây dựng, điện tử, điều, bất động sản, dịch vụ tài chính và lữ hành, thậm chí logistic...cũng được doanh nghiệp Trung Quốc săn lùng để tìm cách mua lại hoặc tham gia cổ phần.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý I/2019 các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan) đã đầu tư 5,87 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó 4,17 tỉ USD (71%) đầu tư vào góp vốn, mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt.
Sự có mặt của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam đã tạo ra một cuộc cạnh tranh về lao động. Vấn để nhân công cũng đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, chia sẻ “Mấy năm nay, các doanh nghiệp dệt may trong nước mỏi mắt tìm công nhân lao động”.
Nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất tại Trung Quốc cũng dần mất lợi thế tại sân nhà vì bị ảnh hưởng bởi chi phí nhân công tăng cao và chiến tranh thương mại. Trong một lần đến thăm Hội chợ Dệt may tại Quảng Châu (Trung Quốc), đoàn Dệt may Việt Nam đã bắt gặp một biển treo bán nhà xưởng của doanh nghiệp đã 32 năm sản xuất dệt may.
Trước khi quyết định bán nhà xưởng, người chủ doanh nghiệp này cũng nỗ lực nâng cấp dây chuyền sản xuất tại và nâng diện tích khoảng 40.000 m2, đồng thời bổ sung những mặt hàng mới với hy vọng vực dậy công ty.
Tuy nhiên, giá nhân công tăng và nhu cầu đặt hàng từ nước ngoài giảm mạnh khiến công ty gia đình này không còn cách nào khác là phải từ bỏ cuộc chơi. Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp khó khi chậm dịch chuyển vì trước đó hy vọng những chuyển biến tích cực từ đàm phán thương mại.