Kinh tế thị trường phải đảm bảo quyền sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh
Hôm nay (22/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam”.
Trình bày tham luận “Kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước”, Giáo sư Jeong Ho Kim, Trường Chính sách công và Quản lý, Viện Phát triển Hàn Quốc cho rằng, kinh nghiệm để xây dựng nền kinh tế thị trường bền vững cần có sự thượng tôn pháp luật, dân sự được mở rộng cùng với xây dựng nền kinh tế dựa trên thị trường.
Đồng thời, cần không ngừng đổi mới sáng tạo thông qua những phát kiến mới trong ý tưởng, công nghệ sản xuất mới, thân thiện với môi trường và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Hội thảo Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập.
Việt Nam đã đạt được các thành tựu trong tăng trưởng kinh tế nhờ duy trì tốt sự ổn định kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hiện đại hóa kinh tế, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bắt nguồn từ công nghiệp hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, khoảng cách thu nhập và giàu nghèo giữa các hộ gia đình thành thị và nông thôn…
“Việt Nam cần chuẩn bị sớm cho quá trình hiện đại hóa rút ngắn. Cụ thể, cần xác định một tầm nhìn giúp Việt Nam có thể huy động tích cực nguồn lực con người nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế; tập trung giảm thiểu hóa rủi ro và sự không chắc chắn trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa”, Giáo sư Giơng Hô-Kim nói.
Cũng tại hội thảo, ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng, các yếu tố làm tăng trưởng Việt Nam chậm lại gồm: nền kinh tế chậm chuyển đổi sang kinh tế thị trường cạnh tranh; thiếu sáng tạo, đổi mới trong phát triển kinh doanh. Nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cần xây dựng thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh phù hợp để thu hút đầu tư.
“Việt Nam cần tập trung xây dựng thể chế kinh tế theo hai khía cạnh: Đảm bảo quyền sở hữu và thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tăng trưởng năng suất và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, giảm rủi ro kinh doanh là nhiệm vụ cốt lõi của Nhà nước trong phát triển kinh doanh. Cần thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò Nhà nước để tạo thuận lợi phát triển kinh doanh phục vụ lợi ích của nhân dân. Duy trì các nỗ lực đẩy mạnh cải cách quy định và thủ tục hành chính để giảm chi phí trong kinh doanh như: đơn giản hóa, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, cải thiện cơ chế đảm bảo nâng cao trách nhiệm của khu vực công”, ông Raymond Mallon chia sẻ.
Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến nhằm góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường thích hợp cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, như giám sát quyền lực của người dân thông qua cơ quan dân cử đại diện, báo chí, hiệp hội và quyền được tiếp cận thông tin; trách nhiệm giải trình, quyền chất vấn, bãi nhiệm các chức danh được bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển nhanh, thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường cần trọng dụng người tài, cởi mở với những quan điểm mới và ủng hộ sự sáng tạo; cần phát hiện và xử lý sớm những cơ chế lạc hậu, những quyết định sai và có năng lực giải quyết các vấn đề, thực hiện những hướng đi mới.
Nguồn VOV