Thứ Bảy | 25/10/2014 14:58

Kinh doanh nhà hàng: Khi mở cửa hoàn toàn năm 2015

Thời gian gần đây, cùng với tiến trình mở cửa theo cam kết WTO, nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng đã trở thành một làn sóng.
Chỉ chưa đầy 3 năm sau thời điểm gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Trong lĩnh vực bán lẻ, được coi là thị trường tiềm năng, ngành kinh doanh thực phẩm chế biến ở Việt Nam đang trở thành ngành hút nhiều vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo cam kết gia nhập WTO, các nhà đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trên lĩnh vực phân phối phải tuân thủ lộ trình theo thời gian: Từ 1/2007, bắt buộc liên doanh với đối tác Việt Nam với phần vốn nước ngoài không quá 49%. Từ 1/2008, được phép liên doanh và không bị hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài trong liên doanh. Từ sau 1/2009, được phép thành lập doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Và chỉ từ 1/2015, các nhà đầu tư FDI được mở nhà hàng ăn uống riêng không cần gắn với các dự án khách sạn.

Với dân số đông, tỉ lệ người trẻ cao và xu thế hội nhập, phát triển du lịch, giao thương; với mức thu nhập ngày một gia tăng, ngành kinh doanh thực phẩm nhà hàng luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài dù vẫn còn những điều kiện hạn chế. Khoảng mười năm trở lại đây, tuy Việt Nam chưa gia nhập WTO, chưa mở cửa thị trường kinh doanh nhà hàng, nhưng theo các dòng văn hoá trong quá trình giao lưu, hội nhập, các nhà hàng có yếu tố nước ngoài với phong cách ẩm thực đặc trưng của nhiều quốc gia trên thế giới đã được mở ra ngày một nhiều, nhất là tại các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội. Theo quy định, ban đầu các nhà hàng này được mở ra ở một số khách sạn sang trọng. Song, chỉ một thời gian ngắn sau đó, với nhu cầu ngày càng tăng, nhất là của giới trẻ, nhiều nhà hàng và các thương hiệu thức ăn nhanh, nước uống nổi tiếng thế giới đã có mặt, dần phát triển và ngày càng nhân rộng thành chuỗi.

Các chuỗi cửa hàng, thương hiệu ra đời bằng nhượng quyền kinh doanh hoặc hợp tác liên kết với các đối tác Việt Nam. Song cũng có những công ty, doanh nghiệp FDI tự mở chuỗi với nhiều cửa hàng tại các thành phố lớn mà không cần nhượng quyền thương mại cho các đối tác trong nước như KFC, Jollibee, Lotteria... Theo cơ quan quản lý đầu tư tại TP. HCM thì do các DN FDI này đầu tư vào thị trường trong nước từ rất sớm và phát triển kinh doanh khi Việt Nam chưa gia nhập WTO nên không bị những cam kết với WTO ràng buộc.

Thời gian gần đây, cùng với tiến trình mở cửa theo cam kết WTO, nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng đã trở thành một làn sóng. Làn sóng này đã bao gồm nhiều hơn các thương hiệu nổi tiếng của nhiều quốc gia, có thêm nhiều hơn các mặt hàng thuộc ngành ăn uống, giải khát. Cùng với các chuỗi siêu thị lớn của các quốc gia như Nhật Bản (chuỗi siêu thị AEON…), Hàn Quốc (Lotteria), thức ăn nhanh Mac Donals, cà phê Stubuck… thì nhiều thương hiện ẩm thực nước ngoài đang dần trở nên quen thuộc với người Việt Nam.

Ông Osato Kazuhiko, Giám đốc xúc tiến thương mại và đầu tư (Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản) nhận định, hiện nay tại TP. HCM có 300 cửa hàng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm do DN Nhật Bản đầu tư. Ông Yukio Konishi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AEON Mall Việt Nam rất tự tin cho rằng hiện không có DN bán lẻ nào có thể cạnh tranh được với hệ thống AEON. Còn theo ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) thì Việt Nam có tiềm năng về nông sản, có nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Mới đây, Công ty TNHH Lotteria Việt Nam vừa khai trương cửa hàng thứ 200 tại TPHCM…

Ngoài trực tiếp mở các siêu thị, nhà hàng kinh doanh thực phẩm chế biến bằng các thương hiệu của mình, các DN nước ngoài cũng có xu hướng mua lại các thương hiệu nhà hàng sẵn có của DN Việt Nam. Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam (SCPE) ngày 16/9 cho biết, SCPE đã mua lại thành công một lượng lớn cổ phần tại Công ty Cổ phần Cổng Vàng (DN VN đang sở hữu hàng chục thương hiệu nhà hàng) trị giá 35 triệu USD. SCPE sẽ tham gia hoạch định chiến lược kinh doanh của Cổng Vàng và hỗ trợ công ty mở rộng thêm chuỗi nhà hàng của mình.

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nếu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng được nới lỏng và minh bạch hơn thì khả năng đầu tư của các DN lớn sẽ gia tăng trong tương lai. Ông Yukio Konishi cũng chia sẻ, trên lĩnh vực bán lẻ, các DN Nhật còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục xin cấp phép, xin đất, đặc biệt việc nhập hàng Nhật vào vướng về thuế , hải quan… Ông cũng cho rằng, giá thuê đất ở Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực ASEAN, khi đầu tư sẽ phải mất khoản tiền lớn hơn để thuê đất. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Việt Nam cần được cải thiện mới đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là dân ngoại thành và nông thôn.

Việt Nam cam kết mở cửa gần như hoàn toàn thị trường bán lẻ Việt Nam cho các nhà cung cấp nước ngoài. Chắc chắn sẽ có nhiều nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Các vấn đề cần được xem xét kỹ là Việt Nam phải học gì từ các quốc gia trong tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ, ngành ăn uống? Những công cụ pháp lý được phép sẽ vận dụng thế nào để bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của các kênh phân phối hàng Việt chất lượng, lợi ích của hàng triệu triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nước? Vai trò và tương lai của các chợ truyền thống sẽ ra sao trong tiến trình hội nhập? Song, Chính phủ đã cam kết, để vượt lên trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các DN Việt Nam không còn con đường nào khác là tự hoàn thiện, tuân thủ luật pháp của cả trong và ngoài nước cũng như các quy định riêng của lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chế biến.

Nguồn Chinhphu.vn


Sự kiện