F&B ở Việt Nam luôn là ngành hấp dẫn bởi bên cạnh chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng. Ảnh: Quý Hòa

 
Phi Vũ Thứ Tư | 17/11/2021 08:00

Kinh doanh chuỗi cà phê "đua ngầm" trong mùa dịch

Dù bị dịch bệnh quật ngã nhưng chuỗi cà phê chưa bao giờ hết hấp dẫn giới đầu tư.

The Coffee House có 180 cửa hàng. Thời gian dịch bệnh phải giãn cách, có cửa hàng phải chuyển đổi mô hình, có cửa hàng phải ngừng kinh doanh. Trao đổi với NCĐT, ông Lê Bá Nam Anh, Giám đốc Điều hành chuỗi cà phê này, cho biết mục tiêu là đến cuối năm nay sẽ mở cửa lại toàn bộ cửa hàng trên toàn quốc.

Trở lại thị trường

Tương tự, chuỗi cà phê Milano Coffee cho biết mấy tuần qua cũng đang từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Những tháng khó khăn vừa qua đã chứng minh khả năng phục hồi của mô hình chi phí vận hành thấp và mô hình kinh doanh “dựa trên sản phẩm” là hướng tới khách hàng trung thành bằng đồ uống chất lượng và giá cạnh tranh. Ông Lê Minh Cường, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành, cho biết, đây là lý do Công ty sẽ tiếp tục phát triển mảng kinh doanh nhượng quyền, hiện có gần 2.000 quán nhượng quyền, nhưng sẽ chú ý nhiều hơn đến lợi nhuận tiềm năng của từng đơn vị mới để tăng trưởng bền vững.

 

Không chỉ The Coffee House hay Milano Coffee, chuỗi cửa hàng Chuk Chuk chuyên kinh doanh mặt hàng bánh ngọt, cà phê của Tập đoàn Kido cũng chuẩn bị để trở lại kinh doanh. Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, trước mắt, Kido sẽ kinh doanh đồ uống trực tuyến, khi được mở cửa trở lại, Công ty sẽ quay lại với mục tiêu trước đây là mở rộng chuỗi cửa hàng và hệ thống kios xe đẩy.

Những doanh nghiệp kể trên là điểm nhấn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với một số thách thức do dịch bệnh. Trong thời gian khó khăn, chi tiêu tiêu dùng thấp hơn 2,83% so với năm ngoái và sự sụt giảm đầu tư từ các doanh nghiệp nội địa vì tính cách người Việt Nam khá thận trọng khi vượt qua thời kỳ khó khăn. Thực tế, từ năm 2000 đến nay, thị trường đã chứng kiến nhiều chuỗi cà phê phải dừng cuộc chơi.

Tuy nhiên, theo ông Giovanni Zangani, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Maestro Equity Partners, đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn. Có 3 lý do chính là động lực phục hồi của Việt Nam. Đầu tiên là tinh thần khởi nghiệp với hơn 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới mỗi năm. Thứ đến là tiền tệ ổn định với lạm phát dao động 3% mỗi năm và cuối cùng là dịch bệnh đã thúc đẩy ngày càng nhiều nước phương Tây đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn tự nhiên.

Cuối cùng, F&B ở Việt Nam luôn là ngành hấp dẫn bởi bên cạnh chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng, còn là cơ hội hiện đại hóa ngành với sự phát triển của các thương hiệu chuỗi. Đại dịch không làm thay đổi động lực tăng trưởng của ngành, thậm chí thúc đẩy quá trình hiện đại hóa mà không tạo ra mối đe dọa lâu dài. “Đó là lý do chúng tôi vẫn sẽ cam kết đầu tư từ 5-20 triệu USD/công ty F&B nội địa trong những năm tiếp theo để hỗ trợ cho các nhà sáng lập có tham vọng lớn”, ông Giovanni Zangani nói.

Thay đổi để thích nghi

Ông Nam Anh của The Coffee House cho biết, Công ty sẽ xây dựng thêm mô hình cửa hàng mới chuyên phục vụ mua mang đi và giao tận nơi ở TP.HCM, đến gần các nơi sinh sống, làm việc, mua sắm của khách hàng.

Trong khi đó, đại diện của Milano Coffee cho biết, Công ty không thực hiện bất kỳ thay đổi đáng kể nào, trừ việc tăng cường hỗ trợ cho các bên nhượng quyền đối với các dịch vụ trực tuyến và mang đi. Công ty cũng tin rằng các thương hiệu có mô hình tinh gọn và thích ứng sẽ tiếp tục giành được thị phần vì cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Giovanni Zangani cho biết hiện có một số thay đổi đáng chú ý nhất ở cấp độ nhà hàng sẽ là tiếp tục tập trung vào đơn giản hóa và cải thiện thực đơn để bù đắp cho sự gia tăng chi phí nguyên liệu, tạo ra nhiều lựa chọn bán mang đi.

 

Tổng quan về ngành, ông Giovanni Zangani kỳ vọng vào một xu hướng hợp nhất từ các mô hình hiệu quả nhất để thâu tóm thị phần, thông qua việc tận dụng các mặt bằng rẻ có sẵn để cải thiện hiệu quả của mô hình kinh doanh và đóng cửa các mặt bằng kém hiệu quả.

Sự cạnh tranh chính yếu vẫn ở việc săn đón các nhân tài, vì mặc dù xu hướng hợp nhất ngành thường mang lại nhiều nguồn lực hơn cho những người chơi còn lại. Chính vì thế, các công ty trong ngành F&B trong thời gian tới sẽ có xu hướng chi trả cao hơn cho số ít lao động cao cấp, thay vì chi trả đại trà cho lao động kỹ năng thấp và cũng chấp nhận tỉ lệ thay đổi nhân sự cao như trước kia.

Về mặt công nghệ, xem xét phí dịch vụ đắt đỏ của những nền tảng giao hàng, các công ty sẽ chú ý nhiều hơn đến “digital-takeout customer” - khách hàng đặt mua trên các nền tảng số nhưng đến lấy mang đi. Những đơn hàng này có lợi nhuận cao hơn, tạo điều kiện cho công ty thu thập nhiều thông tin về ưu tiên khách hàng và kiểm soát trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Các yếu tố trên cũng tác động đến quan điểm của nhà đầu tư vào mô hình F&B sắp tới là sự tập trung đối với khả năng sinh lời ở cấp độ cửa hàng, ưu tiên cho những mô hình phù hợp với việc bán mang đi hơn.

“Bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh linh hoạt và ít thâm dụng vốn hơn như hình thức nhượng quyền thương mại, trước đây vốn là thách thức khi thực hiện tại Việt Nam vì khung pháp còn nhiều hạn chế, cũng sẽ được định giá cao hơn”, ông Giovanni Zangani nói