Kido và con đường tắt lên sàn ngoại
Trong khi Vietjet Air, VNG tuyên bố lên sàn ngoại thì mới đây, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido (KDC), tiết lộ KDC sẽ niêm yết ở nước ngoài. Theo ông, KDC đã có những dự tính và nới room 100% là một trong những bước dọn đường cho kế hoạch này.
Bước chuẩn bị
Như thông tin KDC chia sẻ, đã có đối tác đặt vấn đề với KDC về hợp tác lên sàn ngoại. KDC đang xem xét đến cách thức có thể niêm yết nước ngoài sao cho thuận lợi. Dù chọn hình thức nào thì theo ông Nguyên, cổ phiếu ở sàn ngoại sẽ tách biệt với cổ phiếu KDC tại Việt Nam. Ông Nguyên chưa thể nói chi tiết về lộ trình niêm yết sàn ngoại cũng như thị trường sẽ niêm yết nhưng khẳng định, đó là thị trường lớn, có thể giúp KDC dễ dàng quảng bá tên tuổi và thu hút vốn nước ngoài.
Hiện tại, vướng mắc cho KDC và các doanh nghiệp Việt muốn lên sàn nước ngoài là những trở ngại liên quan đến pháp lý, chính sách. KDC đang liên hệ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được tháo gỡ.
Kido dự tính niêm yết nước ngoài vì nhiều lý do. Trong đó, theo ông Nguyên, lý do chủ yếu là để hậu thuẫn cho KDC trong việc hoàn thành mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh, để 2-3 năm tới có thể trở thành tập đoàn thực phẩm lớn nhất Việt Nam.
Để đạt đến mục tiêu này, KDC đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều thương vụ M&A, không chỉ với các công ty trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Nguyên cho biết, trước mắt KDC đã hoàn tất tiến trình thâu tóm Công ty Chế biến Thực phẩm Dabaco và đang làm việc với một số doanh nghiệp ngoại để mở rộng sản xuất kinh doanh ngành thực phẩm. Dự kiến, tháng 9 hoặc tháng 10 này, liên doanh giữa KDC và một doanh nghiệp Thái Lan sẽ cho ra mắt sản phẩm tương ớt, đánh dấu bước thâm nhập thị trường nước chấm của KDC. Công ty cũng sẽ hợp tác với doanh nghiệp ở Indonesia để sản xuất thực phẩm và dự kiến dấn thân vào ngành đồ uống như sản phẩm từ sữa và trà.
Riêng việc nắm giữ 50% cổ phần ở Dabaco Food và được toàn quyền quyết định thương hiệu, sản phẩm tại đây sẽ giúp KDC dấn bước vào ngành thực phẩm đông lạnh như xúc xích, chả giò, các sản phẩm viên (cá, bò, mực, tôm), những món ăn sẵn từ thịt gia cầm, thịt đông lạnh, thịt tươi....
KDC còn có kế hoạch liên doanh với đối tác ngoại để sản xuất dầu nành cũng như có kế hoạch đầu tư, thâu tóm ngược ra nước ngoài để tạo bàn đạp cho Công ty đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện tại, các sản phẩm dầu ăn của Tường An, thuộc KDC đã bước đầu đi ra nước ngoài.
Chiến trường khốc liệt
Ông chủ KDC tự tin diện mạo của Công ty trong tương lai không xa sẽ lớn gấp nhiều lần hiện tại, vượt trội hơn hẳn những gì Công ty từng đạt được trong mảng bánh kẹo. Theo ông Nguyên, nếu ngành bánh kẹo bị giới hạn bởi yếu tố mùa vụ thì thực phẩm là ngành thiết yếu, nhu cầu quanh năm, thị trường lại sôi động.
Riêng trong ngành dầu ăn, vòng quay vốn nhanh hơn hẳn, số điểm bán cũng nhiều hơn điểm bán bánh kẹo, lên tới 400.000 điểm. Nhờ đó, doanh thu của Tường An đã đạt hơn 4.200 tỉ đồng năm 2016. KDC hiện nắm 65% vốn điều lệ của Tường An và mới đây, đã chính thức nắm 51% vốn ở Vocarimex. Chỉ riêng việc hợp nhất báo cáo tài chính của 2 công ty này vào KDC đã hứa hẹn giúp Công ty đạt doanh thu năm 2017 gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.
Thương vụ đầu tư chiếm giữ cổ phần chi phối ở Tường An và Vocarimex còn giúp KDC vươn lên đứng thứ 2 trong ngành dầu ăn, chỉ sau Cái Lân và chiếm 35% thị phần. Từ đây, theo ông Trần Lệ Nguyên, KDC có lợi thế trong đàm phán với nhà cung cấp, để có được mức giá nguyên liệu tốt nhất, giảm hàng tồn kho.
Ở ngành thực phẩm đông lạnh, KDC đã thử nghiệm thêm sản xuất bánh bao. Sắp tới, theo ông Nguyên, Công ty sẽ tận dụng hệ thống logistics và kênh phân phối lạnh gồm 70.000 điểm bán để mở rộng sản xuất thêm nhiều thực phẩm đông lạnh khác.
Nhưng với mức đóng góp của thực phẩm đông lạnh mới chỉ chiếm 0,9% doanh thu năm 2016 của KDC và nhìn từ thương vụ Công ty Chế biến Thực phẩm Dabaco, phòng phân tích Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá: “KDC tham gia lĩnh vực mới khá từ tốn”. Những mặt hàng thực phẩm đông lạnh do Dabaco sản xuất dự báo sẽ chưa mang lại mức đóng góp nhiều và ngay lập tức cho KDC.
Trên thực tế, Dabaco Food chưa phải là tên tuổi nổi bật trong ngành thực phẩm đông lạnh. Theo báo cáo của Euromonitor tháng 11.2016, Vissan, Hoàng Gia, Hạ Long, Seaspimex, Cầu Tre, Agifish, Saigon Food, Đức Việt... mới là những cái tên dẫn đầu trong lĩnh vực chế biến thịt và hải sản. Đặc biệt, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất khao khát nhảy vào lãnh địa thực phẩm đông lạnh ở Việt Nam do đây là ngành có tốc độ tăng trưởng 6% về giá trị và 5% về sản lượng, theo Euromonitor. Vì thế, Daesang đã chi 32 triệu USD mua cổ phần của Đức Việt, còn CJ không ngại trả giá gấp 6 lần giá trị sổ sách của Cầu Tre để gia tăng tỉ lệ nắm giữ tại đây.
CJ tham gia góp vốn vào Công ty Minh Đạt, Cầu Tre… với mục đích sẽ đầu tư công nghệ và kỹ thuật để cạnh tranh tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu ra thế giới. Như vậy, đối thủ của KDC trong mảng thực phẩm đông lạnh không thể không nhắc tới CJ, một công ty có chiến lược chi ra 500 triệu USD cho M&A ở Việt Nam.
Trong khi đó, ở mảng thực phẩm khô, KDC đã tạm dừng sản xuất mì ăn liền. Từ trong câu chuyện này, Công ty rút ra được những bài học, nhất là bài học về hợp tác đối tác. Sắp tới, ông Trần Lệ Nguyên cho biết, KDC sẽ chỉ lựa chọn hợp tác với những công ty làm tốt. Cùng với lợi thế kênh phân phối, đây sẽ là cơ sở để KDC không lo ngại cạnh tranh.
Như đã nói ở trên, dự kiến quý IV này, KDC sẽ ra mắt sản phẩm tương ớt, đánh dấu bước thâm nhập vào thị trường gia vị và nước chấm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đã có Masan cát cứ. Theo số liệu từ Masan, năm 2016, Masan chiếm 63% thị phần mảng tương ớt, nhờ vào việc mua lại 32,8% cổ phần tại Cholimex Food. Còn CJ đã và đang có nhiều động thái để thay đổi cục diện ngành này. Có thêm KDC, cuộc chơi trong ngành tương ớt sẽ càng gây cấn.
Thực phẩm hiện là một chiến trường khốc liệt. Theo thông tin từ Masan, sau 5 năm (2012-2016), trừ mảng tương ớt là tăng trưởng về thị phần, các mảng còn lại trong ngành thực phẩm của Masan, gồm nước mắm, nước tương, mì ăn liền, cà phê... đều giảm, đứng yên hoặc tăng không đáng kể. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, từng cho rằng, để mất thị phần là do Masan chưa đủ đổi mới sáng tạo trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi. Masan đang gấp rút tìm giải pháp hợp lý để tái lập cuộc chơi.
Trong khi đó, KDC đã chọn cách bắt tay với đối tác để sớm đạt mục tiêu và giảm thiểu rủi ro. Không chỉ thế, ông Nguyên cho biết KDC sẽ phát triển thương hiệu kết hợp cả hai bên cho các sản phẩm mới. KDC cũng chỉ chọn lựa đầu tư sản phẩm mới dựa vào 2 tiêu chí thỏa mãn xu hướng tiêu dùng và đạt quy mô thị trường đủ lớn.
Với sự thận trọng và dựa thêm nguồn lực bên ngoài, KDC đang tìm lối đi riêng trong ngành mà theo Worldpanel là cạnh tranh khốc liệt. Nhưng KDC cũng như nhiều công ty vẫn kỳ vọng vào ngành thực phẩm, đồ uống bởi đây là ngành có quy mô khoảng 30 tỉ USD vào năm 2016, theo Nielsen.
Ngoài ra, nền tảng dân số đông (gần 100 triệu dân), thu nhập bình quân đầu người ước sẽ tăng lên 3.400 USD/người vào năm 2020 càng làm tăng tính hấp dẫn của ngành này tại Việt Nam. Theo số liệu dự báo của BMI Research, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hằng năm cho giai đoạn 2017-2019 là 10,9%.
Ngọc Thủy