Có thể thấy, “mô hình trung tâm thương mại” (E2E) trên nền tảng mạng xã hội là mô hình lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Ảnh: TL
KIDO tìm gì ở shoppertainment?
Giữa bối cảnh sức mua yếu và cận kề cuối năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO bất ngờ công bố sẽ cùng TikTok lập dự án Entertainment & E-commerce (E2E).
Sức hút từ shoppertainment
Theo ông Trần Lệ Nguyên, CEO của KIDO, Công ty muốn đưa E2E trở thành kênh thương mại giải trí, đánh giá ẩm thực, thời trang…, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tiên trên nền tảng social. Với tuyên bố này, E2E không phải là dạng mở rộng phân phối mà đánh dấu KIDO chính thức đặt chân vào lĩnh vực hoàn toàn mới là shoppertainment.
Đây là xu hướng mua sắm trực tuyến kết hợp giải trí đang thịnh hành. Trong đó, livestream, video, trò chơi điện tử (gamification) là những hình thức phổ biến. Theo nghiên cứu của Nielsen, 83% người dùng thích xem quảng cáo dưới định dạng video hơn ảnh GIF hoặc văn bản. Còn theo Bazaarvoice, 70% người dùng muốn các yếu tố trò chơi được tích hợp vào trải nghiệm mua sắm trực tuyến.
Hiệu quả của hình thức này tạo ra kỷ lục chỉ 2 buổi livestream bán hàng dịp Black Friday của TaobaoLive (Alibaba), cho 1 nhãn hàng là những túi da Welden, hãng này đã thu về con số khổng lồ hơn 350.000 USD, tức hơn 8,2 tỉ đồng. Còn tại Việt Nam, đại diện của Tiki cho biết, số lượng người xem livestream tự nhiên (organic) trên app Tiki trong 1 tháng gần đây tăng gấp 5 lần so với thời gian trước đó và không hề thua kém so với Facebook.
Ở bức tranh chung, báo cáo của Boston và TikTok chỉ ra, doanh thu shoppertainment năm 2022 là 1,8 tỉ USD và có thể đạt 8 tỉ USD đến năm 2026. “Thói quen mua hàng của người tiêu dùng đang thay đổi. Người tiêu dùng sẽ nói không với những lời chào hàng, nhưng họ sẽ nói có với những trải nghiệm giải trí”, ông Sameer Singh, Giám đốc Giải pháp Kinh doanh Toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương của TikTok, đúc kết.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing Haravan, cũng nhìn nhận, livestream, video ngắn sẽ là xu hướng kinh doanh trong cuối năm và cả năm 2024. Tại thị trường Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn như Xiaomi, Ohui và L’Oreal, P&G, Logitech... đều ghi nhận doanh số bán khả quan hơn nhờ livestream bán hàng. P&G thậm chí đã có lượng đơn hàng tăng gấp 10 sau khi hợp tác với Shopee. Về phía các hãng thương mại điện tử cũng ráo riết chạy đua. Lazada vừa xây dựng nền tảng LazTalent với mục tiêu tạo không gian cho người trẻ livestream bán hàng, sáng tạo nội dung, giới thiệu hàng hóa.
Ngách riêng E2E
Được biết, kênh E2E được xây dựng trên nền tảng TikTok. Trong đó, KIDO là nhà đầu tư dự án, còn TikTok là đơn vị hỗ trợ tạo lượt xem, tìm kiếm các KOL (chuyên gia, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) tư vấn doanh nghiệp cách livestream bán hàng. E2E cũng sẽ kết hợp thêm với những hãng truyền thông, giải trí trong và ngoài nước khác đăng tải những video đánh giá thời trang, ẩm thực, trải nghiệm sản phẩm và thường xuyên diễn ra các hoạt động trình diễn giải trí chuyên nghiệp cùng những video giải trí độc quyền.
Trước mắt, CEO KIDO chia sẻ, E2E đặt mục tiêu đạt số lượng traffic lên tới hàng triệu người xem. Kênh E2E cũng nhắm tới doanh số bán hàng mỗi ngày từ vài chục tỉ đồng tới vài trăm tỉ đồng. E2E cũng đặt nhiệm vụ tạo đầu ra tốt cho doanh nghiệp đối tác, không chỉ ở thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế.
Nhưng theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào E2E là phải có đầy đủ chứng nhận và xuất xứ. Ông Trần Lệ Nguyên khẳng định, ngoài đem đến chương trình giải trí miễn phí từ những người nổi tiếng, E2E muốn giúp khách hàng dễ dàng mua sắm những mặt hàng chính hãng giá tốt tại “trung tâm thương mại” ở nền tảng TikTok.
Có thể thấy, “mô hình trung tâm thương mại” (E2E) trên nền tảng mạng xã hội là mô hình lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Trước giờ, các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok... chỉ tạo sân chơi. Còn nay, ở E2E, KIDO đứng ra kết nối để các bên dễ dàng gặp nhau và theo đúng nhu cầu hơn hoặc xúc tiến giao thương online trên quy mô lớn. Đây là điều mà các doanh nghiệp đang tìm kiếm để mở rộng cơ hội kinh doanh, giảm chi phí, rút ngắn quy trình.
Thực tế, dù ngày càng phát triển nhưng Lazada, Shopee, Tiki hay các nền tảng xã hội Facebook, TikTok... vẫn chưa thể đạt tới một dữ liệu toàn vẹn, với các mối quan hệ phù hợp, am hiểu chi tiết ngành nghề để kết nối thành công hơn cho các bên. KIDO trái lại nổi bật các khía cạnh này trong mảng cốt lõi với gần 30 năm dẫn đầu ngành bánh kẹo. Bản thân các nhà sáng lập KIDO đều là những gương mặt tiêu biểu của thế hệ doanh nhân lớp đầu tiên sau thời kỳ Đổi Mới. Họ đã kinh doanh qua nhiều thăng trầm, hiểu văn hóa địa phương, hiểu đặc tính kinh doanh, hiểu tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng. Ngoài ra, anh em nhà ông Trần Kim Thành còn là những thành viên tích cực nhất của cộng đồng doanh nhân nguời Hoa ở Việt Nam. Đây là cộng đồng có rất nhiều doanh nhân ưu tú như Vưu Khải Thành (Biti’s), Lý Ngọc Minh (Gốm sứ Minh Long), Cô Gia Thọ (Thiên Long), Đặng Văn Thành (Thành Thành Công), Kao Siêu Lực (ABC Bakery)...
Ngay buổi ra mắt E2E, ngoài ký kết với TikTok, E2E còn ký kết với Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP.HCM... cho thấy khả năng thu hút riêng của nền tảng này. Dù vậy, hợp tác với TikTok không phải không có rủi ro. Ông Phạm Minh Toàn, sáng lập kiêm CEO ở Time Universal Communications, từng lưu ý đến giá thành, tính chủ động và tính bảo mật trong hợp tác lựa chọn đối tác outsource. Chưa kể, TikTok Shop tuy đạt tới 20% thị phần doanh thu thương mại điện tử Việt Nam, theo Metric nhưng đang bị người bán phàn nàn về phí cao. Và dù có những nguyên tắc và giám sát nhưng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn được bày bán trên TikTok Shop cũng như các trang thương mại điện tử khác.
Vì vậy, là người ngoài ngành, KIDO sẽ phải có những cách thức chặt chẽ nếu muốn đảm bảo thành công.