Khó tìm thương hiệu nông sản xuất khẩu
Đứng ở cương vị sản xuất, ông Vũ Đình Bác - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) khẳng định, thực trạng trên là có thật. "Từ nhiều năm nay, bà con phải xuất khẩu vải tươi nên khi sang một số nước lân cận, họ chỉ cần qua vài công đoạn sơ chế, bóc vỏ, đóng gói, dán nhãn với thương hiệu khác là có thể bán với giá cao hơn nhiều lần”. Vì lẽ đó mà sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thường rất lớn, nhưng giá thành và lợi nhuận lại rất thấp.
Ngay trên thị trường nội địa, hơn 80% nông sản cũng không có nhãn hiệu. Hiện nay, trên thị trường, người bán hàng sẵn sàng thay tên đổi họ xoài Cát Lái, nho Bình Thuận chuyển thành xoài Úc, táo Newzelan, nho Mỹ để bán hàng được dễ hơn, kiếm lời nhiều hơn. Gạo Việt Nam đứng đầu thế giới, đó là mục tiêu bao năm qua Việt Nam hướng tới và đã đạt được nhưng ngay trong thị trường nội địa, gạo Việt Nam vẫn phải nhờ mác thơm Nhật, dẻo Hàn Quốc để vào siêu thị, nhà hàng.
Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố rà soát những sản phẩm nông sản đã được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đồng thời xây dựng kế hoạch những mặt hàng nông sản có tiềm năng cần đăng ký thương hiệu.
Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ: vì các doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn chỉ quan tâm đến doanh số và doanh thu bán hàng. Tức là chỉ chăm chăm kiếm lợi từ việc hưởng chênh lệch thu mua – thu bán, mà ít quan tâm đến thương hiệu. Trong khi đó, nếu gắn thương hiệu vào sản phẩm, uy tín sẽ được nâng lên, đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm nhanh, thuận lợi hơn.
Nguồn Đại đoàn kết