Thị trường giao nhận không dễ ăn. Nguồn ảnh: Zing.vn

 
Sơn Mai Thứ Năm | 04/04/2019 11:49

“Khó nuốt” như thị trường giao nhận

Chưa đầy 1 tuần, CEO của các hãng Ahamove và Go-Viet đồng loạt từ chức, thị trường giao nhận liệu có phải là miếng bánh dễ nuốt?

"Tôi rời Ahamove vì không còn phù hợp với định hướng của công ty và đã có định hướng mới từ đầu năm. Việc tôi hay anh Trường ra đi không phải vì sức ép hay tiền của Grab", Trần Đức Huy, Giám đốc tiếp thị chia sẻ trên trang cá nhân.

 “Nóng” trên ghế điều hành

Trước đó 3 ngày, CEO Nguyễn Vũ Đức và Nguyễn Linh, phó tổng giám đốc phụ trách phát triển Go-Viet từ chức trong bối cảnh đơn vị này vẫn giậm chân tại chỗ với 3 dịch vụ là gọi xe hai bánh, gọi thức ăn và giao hàng.

Cả ba nhân vật này đều không cho biết lý do cụ thể nhưng trên thị trường, cuộc cạnh tranh giữa các hãng công nghệ với ứng dụng gọi xe và giao nhận đang diễn ra khốc liệt. Đặc biệt, trên thị trường giao nhận đang có sự phân hóa rõ ràng.

Theo đó, từ khi các hãng gọi xe công nghệ tham gia vào thị trường giao nhận, nhiều hãng giao nhận thuần túy đã gặp khó khăn. Sự ra đi của GNN Exprees là một ví dụ. Tháng 9.2018, hãng này bất ngờ xin phá sản khiến nhiều cửa hàng online hoảng loạn.

Ông Hoàng Ngọc, Tổng giám đốc GNN Express, đã nhận hết trách nhiệm trong quản lý và để thất thoát khoản tiền 5,5 tỉ đồng và chưa có cách giải quyết. Thực tế, khi kinh doanh, GNN đã không quản lý được sản phẩm, không kiểm soát được chất lượng… dẫn đến thất thoát và mất kiểm soát.

Hiện thị trường giao nhận nội thành, các hãng như Grab (Grab Foods, Grab Exprees), Go-Viet (Go-Send, Go-Food), và Now, Ahamove, Lalamove đang được lựa chọn nhiều nhất. Những đơn vị này có nhiều chiến dịch giảm giá, khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Chẳng hạn như, Go-Food và Grab Food thường xuyên áp dụng chương trình khuyến mãi, đặt qua ứng dụng được giảm 50%, cộng thêm miễn phí giao hàng, hay chương trình mua 1 tặng 1… Thậm chí Grab có chương trình 999 li trà sữa 0 đồng.

Thực tế, các hãng giao nhận này đang chấp nhận chịu lỗ để lấy khách hàng. Gần đây, Grab và Go-Jek (công ty mẹ của Go-Viet) liên tục gọi được vốn khủng lên đến hàng tỷ USD. Trong khi, Now cũng có Tencent hậu thuẫn.

Dù vậy, hiện tại, Go-Viet, sau 8 tháng ra mắt, đã phải nâng mức chiết khấu lên mức 20% khiến một số tài xế nảy ý định đầu quân cho ứng dụng khác. Còn Grab vẫn “tích cực” khuyến mãi. Một tài xế Grab chia sẻ anh từng chuyển sang Go-Viet chạy một thời gian nhưng việc hãng này nâng chiết khấu lên 20% thì lại quay về chạy Grab. Trước sự lì đòn của Grab, các hãng giao nhận khác đang “dạt” dần về thị trường tỉnh.

Theo báo cáo công bố gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), Vietnam Post và Viettel Post vẫn đang nắm thị phần lớn nhất cả nước nhưng tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, hai đơn vị này đang giảm thị phần đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là không thể cạnh tranh được với các đơn vị như Grab, Go-Viet, Now…. ở cự ly ngắn (nội thành). Ở ngoại thành, nơi Grab, Go-Viet, Now chưa thể đi tới thì Viettel Post, Vietnam Post nắm lợi thế.

Mạnh vì gạo...

Khi cuộc đua trong ngành giao nhận đang nóng thì thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh. Đây là hai ngành đang có sự tương tác trực tiếp đến nhau. Theo khảo sát của Nelson, mức tăng trưởng hiện tại của thị trường thương mại điện tử là 30%. Năm 2018, thị trường này đạt 8,06 tỉ USD, dự kiến đến 2020 thị trường thương mại điện tử sẽ đạt 15 tỉ USD, theo Vecom.

“Doanh thu thị trường giao nhận thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 10% tổng thị trường”, ông Charles Brewer, Giám đốc Điều hành DHL eCommerce, cho biết. Như vậy quy mô thị trường giao nhận có thể đạt 1,5 tỉ USD.

“Kho nuot” nhu thi truong giao nhan

Trong khi, thương mại điện tử đang tăng thì ngành giao nhận cũng đang tăng trưởng mạnh và dần phân mảnh. Grab, Go-Viet mạnh tay chi khoản tiền lớn để ký hợp đồng quảng cáo với các nhân vật nổi tiếng để thu hút khách. Go-Viet chọn Sơn Tùng, thì Grab chọn Mỹ Tâm, các cầu thủ đá bóng…

Như vậy, mặc dù ngành này đang tăng trưởng nhanh nhưng dưới sức ép chia năm sẻ bảy như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ thu được bao nhiêu? Trong khi chi phí của Grab, Go-Việt…đang bỏ ra khá lớn.

Trở lại câu chuyện của GNN Exprees, lãnh đạo công ty thừa nhận là năng lực quản lý và lưu kho là nguyên nhân chính khiến hãng này phá sản. Theo khảo sát từ Vecom, hầu hết các hãng đều có kho riêng để lưu trữ hàng hóa nhưng năng lực kho chưa đáp ứng được nhu cầu nên phần lớn doanh nghiệp chuyển phát vẫn phải thuê kho ngoài.

Thực tế, công nghệ quản lý kho còn lạc hậu nên chi phí lưu kho và quản lý kho còn cao. Ở nhiều doanh nghiệp chi phí này chiếm trên 20% tổng doanh thu. Trong đó, hàng bị trả lại cũng đang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Ước tính, tỉ lệ trung bình tổng giá trị của các sản phẩm hoàn trả so với tổng giá trị đơn hàng lên tới 13%. Một số doanh nghiệp phải chịu mức 26%.