Thuốc kê đơn sẽ chiếm thị phần ngày càng tăng trên toàn thị trường, tăng dần từ mức 76,1% vào năm 2023 lên mức 77,4% vào năm 2028F. Ảnh: TL.

 
Việt Hà Thứ Tư | 27/11/2024 15:02

Kênh ETC dẫn dắt tăng trưởng ngành dược phẩm Việt Nam

Tại Việt Nam, thuốc được đưa đến tay người bệnh thông qua 2 kênh phân phối: kênh ETC (thuốc kê đơn) và kênh OTC (thuốc không kê đơn).

Tốc độ già hóa nhanh tại Việt Nam 

Năm 2011 đánh dấu thời điểm Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa dân số" khi tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% và người từ 65 tuổi trở lên đạt 7,2% tổng dân số. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, xu hướng này đang ngày càng tăng mạnh và dự báo đến năm 2038, tỉ lệ người 60 tuổi trở lên đạt trên 20% và đến năm 2049, tỉ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Quá trình này đang diễn ra với tốc độ đáng kể so với các quốc gia phát triển, nơi việc chuyển đổi từ giai đoạn già hóa sang dân số già có thể kéo dài nhiều thập kỷ. Ngược lại, Việt Nam chỉ mất khoảng 20 năm để thực hiện quá trình chuyển đổi này, cho thấy sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số với tỉ lệ người cao tuổi tăng nhanh và tỉ lệ dân số trẻ giảm dần.

 

Tốc độ già hóa nhanh chóng này đặt ra nhu cầu cấp thiết về chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, khi người cao tuổi thường cần điều trị dài hạn và sử dụng nhiều loại thuốc để kiểm soát các bệnh mãn tính, giảm đau và tăng cường sức khỏe tổng quát. 

“Tại Việt Nam, người trên 60 tuổi trung bình mắc từ 3 đến 4 bệnh mạn tính, trong khi người từ 80 tuổi trở lên có thể mắc tới 6 bệnh. Điều này dẫn đến chi phí chăm sóc y tế cho người cao tuổi cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi, làm tăng đáng kể gánh nặng tài chính cho hệ thống y tế và gia đình”, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định. 

Ngoài ra, mặc dù gánh nặng bệnh truyền nhiễm đã giảm, các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường và ung thư lại ngày càng phổ biến. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, ước tính mỗi năm số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm đến 84% tổng số ca tử vong, chủ yếu là do bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

 

PHS cho rằng, trong bối cảnh này, chi tiêu cho dược phẩm tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh, do nhu cầu ngày càng cao từ nhóm dân số già và sự gia tăng của các bệnh mạn tính. Sự gia tăng này không chỉ tạo động lực lớn cho ngành dược phẩm mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ và phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe lâu dài của người dân.

Chi phí y tế ngày càng tăng 

Theo dữ liệu từ World Bank, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 đạt 4.346 USD, tăng lên từ mức 3.586 USD từ năm 2020, cho thấy mức sống đã dần được cải thiện. Dự báo đến năm 2030, GDP bình quân đầu người có thể tăng lên mức 7.500 USD với tốc độ tăng trưởng GDP toàn quốc dự kiến đạt 7% mỗi năm. Nhờ đó, người dân Việt Nam sẽ có khả năng chi trả dễ dàng hơn cho các dịch vụ y tế cá nhân, như bảo hiểm sức khỏe, khám bệnh định kỳ và các loại thuốc cần thiết. 

Minh chứng cho xu hướng này là mức chi tiêu y tế bình quân đầu người tại Việt Nam, tăng từ 153 USD vào năm 2020 lên 222 USD vào năm 2023. Ngoài ra, khi thu nhập tăng, Chính Phủ có thêm nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng y tế, bao gồm bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. 

Bên cạnh đó, sau giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số lượt khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế đã có sự phục hồi đáng chú ý sau đại dịch, tăng dần từ mức 125,6 triệu lượt vào năm 2021 lên mức 174,8 triệu lượt vào năm 2023. 

 

Tỉ lệ tham gia BHYT tự nguyện cũng có xu hướng tăng lên, đạt 93.4% dân số vào năm 2023, nhờ ý thức tăng cao về chăm sóc sức khỏe phòng ngừa sau COVID-19, nhiều người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của BHYT trong việc giảm bớt chi phí y tế. Nhờ đó, kênh ETC cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào số lượng người tham gia BHYT ngày càng lớn, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ mua thuốc không kê đơn sang dùng thuốc kê đơn có bảo hiểm, hỗ trợ giảm chi phí cho người bệnh.

Tại Việt Nam, thuốc được đưa đến tay người bệnh thông qua 2 kênh phân phối: kênh ETC (thuốc kê đơn) và kênh OTC (thuốc không kê đơn). 

Theo dữ liệu từ BMI, kênh ETC sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành dược phẩm Việt Nam với doanh số bán thuốc kê đơn dự kiến sẽ đạt 162 nghìn tỉ đồng vào năm 2028F với tốc độ tăng trưởng kép trong vòng 10 năm là 8,0%/năm nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng nhờ các yếu tố nhân khẩu học như già hóa dân số, tỉ lệ mắc bệnh mạn tính tăng, gia tăng bao phủ bảo hiểm y tế, gia tăng thu nhập và nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ngành dược của Chính phủ thông qua các thông tư chính sách tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu thuốc kênh bệnh viện, ưu tiên sử dụng thuốc nội. 

Theo đó, thuốc kê đơn sẽ chiếm thị phần ngày càng tăng trên toàn thị trường, tăng dần từ mức 76,1% vào năm 2023 lên mức 77,4% vào năm 2028F.

Có thể bạn quan tâm 

Ngành cảng biển Việt Nam chịu tác động gì dưới thời ông Trump?

Nguồn Theo PHS