KBC: Tồn kho “khủng”, xuất hiện nhiều khoản nợ tiềm tàng
Tồn kho khủng
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) hiện đứng top đầu về giá trị hàng tồn kho trong nhóm 15 công ty bất động sản quy mô lớn đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Số liệu thống kê tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 cho thấy, tổng giá trị hàng tồn kho của KBC tại thời điểm 31/12/2014 đã lên tới 7.614 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với đầu năm 2014.
KBC là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị. Hàng tồn kho của KBC chủ yếu là chi phí phí xây dựng dở dang tại các dự án khu công nghiệp và khu đô thị.
Biểu đồ thể hiện dựa theo số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất 2014 |
Bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng… trong quá trình đầu tư thực hiện các dự án như KCN Quế Võ, Quang Châu, Tân Phú Trung, Nam Sơn - Hạp Lĩnh, Tràng Duệ, Tràng Cát,…
Trong đó, hàng tồn kho của KBC chủ yếu nằm tại 2 đại dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát (3.180 tỷ đồng), khu công nghiệp Tân Phú Trung (2.660 tỷ đồng).
Các dự án khác của KBC hiện có lượng hàng tồn kho lớn gồm: Khu đô thị Phúc Ninh (763 tỷ đồng), khu công nghiệp và đô thị Quang Châu (505 tỷ đồng), khu công nghiệp Nam Sơn – Hạp Lĩnh 194 tỷ đồng, khu công nghiệp Quế Võ mở rộng hơn 118 tỷ đồng…
Đáng chú ý, phần lớn hàng tồn kho của KBC đã được công ty này sử dụng để thế chấp các khoản vay dài hạn.
Nhiều khoản nợ khoản nợ tiềm tàng
Các cam kết liên quan đến dự án đầu tư bất động sản và những khoản nợ tiềm tàng được tiết lộ trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 của KBC.
Trong đó, đáng chú ý là cam kết đầu tư dự án Khách sạn Hoa Sen Hà Nội, quy mô hơn 4ha, tổng vốn đầu tư ước tính 250 triệu USD theo Quyết định 413/QD/UBND ngày 22/1/2010 của UBND TP. Hà Nội. Đồng thời KBC phải có trách nhiệm xây dựng 1 cung thiếu nhi tại địa bàn vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn TP. Hà Nội với tổng trị giá 1,5 triệu USD.
Tuy nhiên, đã sau gần 5 năm kể từ ngày có quyết định đầu tư, KBC vẫn chưa thể thực hiện được siêu dự án Khách sạn Hoa Sen Hà Nội. Hiện khu đất nhiều năm qua vẫn bị bỏ hoang hóa, cỏ mọc lút đầu...
Khách sạn siêu sang Lotus Hotel, giấc mơ vẫn còn dang dở của đại gia Đặng Thành Tâm |
Tại dự án khu đô thị mới Phúc Ninh (Bắc Ninh), KBC đã nhận bàn giao 49,53ha đất năm 2010, hoàn thành cắm mốc cho diện tích đất 47,2ha năm 2013 với UBND tỉnh Bắc Ninh và đã nộp số tiền hơn 175,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất theo Quyết định 2229/QĐ-CT của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 23/12/2014. Tuy nhiên KBC vẫn đang trong quá trình hoàn thành quyết toán tiền sử dụng đất với UBND tỉnh Bắc Ninh cho các diện tích đất được giao nêu trên.
Đối với các hoạt động bảo lãnh và bảo đảm, KBC có các khoản nợ tiềm tàng liên quan đến các khoản bảo lãnh và bảo đảm sau:
• Các khoản bảo đảm theo hợp đồng thế chấp tài sản với Ngân hàng Phương Tây (nay đã được sáp nhập thành PVCombank). Công ty Tràng Cát đã ký hợp đồng thế chấp tài sản để thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba số 0202/2013/HĐTC-DN ngày 22/2/2013 với Ngân hàng Phương Tây (nay đã được sáp nhập thành PVCombank).
Theo đó, Công ty Tràng Cát đã đồng ý thế chấp một phần các tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát để đảm bảo cho các khoản vay, ủy thác đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp và các nghĩa vụ theo hợp đồng của Tập đoàn, các công ty con, công ty liên kết và một số công ty khác.
• KBC đã bảo lãnh cho các khoản vay của CTCP Xây dựng Sài Gòn với số tiền tối đa là 100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Tây (nay đã được sáp nhập thành PVCombank). KBC quyết định sử dụng 4 triệu cổ phiếu CTCP Phát triển đô thị Sài Gòn – Tây Bắc (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) làm tài sản thế chấp cho khoản bảo lãnh vay vồn này.
• KBC đã bảo lãnh cho khoản nhận ủy thác đầu tư của CTCP Đầu tư Sài Gòn (một cổ đông của KBC) với số tiền tối đa tới 220 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Tây (nay đã được sáp nhập thành PVCombank). KBC đã quyết định sử dụng 7 triệu cổ phiếu của CTCP Phát triển Đô thị Sài Gòn – Tây Bắc (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) làm tài sản thế chấp cho khoản bảo lãnh nhận ủy thác đầu tư này.
Một dự án còn nặng tồn kho của KBC |
Bên cạnh đó, KBC cũng xuất hiện những "tổn thất tiềm tàng" liên quan đến các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Đáng chú ý nhất là khoản KBC góp 19 tỷ đồng tương đương 10,56% vốn điều lệ vào Công ty Sài Gòn – Bình Phước. Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn – Bình Phước đã bị UBND tỉnh Bình Phước thu hồi giấy phép đầu tư do công ty này chậm tiến độ thi công dự án.
Công ty Sài Gòn – Bình Phước cho biết đang tích cực thu hồi các khoản tạm ứng trong quá trình đầu tư và đã hoàn thành các thủ tục trình UBND tỉnh Bình Phước để xin bồi hoàn chi phí đầu tư. KBC vẫn không trích lập thêm dự phòng đối với các khoản đầu tư này.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu 2014 của KBC đạt mức 1.069 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 341 tỷ đồng, tại thời điểm 31/12/2014, riêng chi phí lãi vay của KBC đã lên tới con số 248 tỷ đồng.
Nguồn Bizlive