Ảnh: Internet

 
Vũ Hạo Thứ Năm | 27/02/2020 17:26

Hưởng lợi từ làn sóng chi tiêu tiêu dùng, ngành dược và cửa hàng bách hóa Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong ngắn và trung hạn?

Trong ngắn hạn, sự bùng phát của virus corona chủng mới cũng tạo cú huých cho lĩnh vực hàng bách hóa và dược phẩm tại Việt Nam.

Chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và vượt trội hơn so với các quốc gia thuộc khối ASEAN.

Trong năm 2020, Fitch Solutions dự báo chi tiêu thực của hộ gia đình Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng trưởng 9,9% của năm 2019. Tuy vậy, dự báo tăng trưởng này vẫn cao hơn Singapore (3%), Thái Lan (3,9%), Malaysia (6,3%), Philippines (5,8%) và Indonesia (5,5%).

Biểu đồ về chi tiêu tiêu dùng của các nước ASEAN. Nguồn: Fitch
Biểu đồ về chi tiêu tiêu dùng của các nước ASEAN. Nguồn: Fitch

Theo Fitch Solutions, tăng trưởng về chi tiêu tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong trung hạn (2020-2024), trong đó chi tiêu thực của hộ gia đình được dự báo tăng trưởng 7,4%. Tổ chức này đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội trong khối ASEAN trong khoảng thời gian này.

Dựa trên quan điểm của Fitch Solutions, lĩnh vực dược và hàng bách hóa ở Việt Nam sẽ hưởng lợi từ câu chuyện tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, trong đó lượng hàng hóa dự trữ trong những phân khúc này được dự báo tăng trưởng mạnh kỷ lục trong năm 2020 và trong trung hạn.

Chi tiêu của hộ gia đình (xét về giá trị danh nghĩa) được dự báo tăng trưởng 13,6% trong trung hạn. Đồng thời, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng ở phân khúc thực phẩm ở mức 13,7%, chi tiêu y tế 14%, chăm sóc sức khỏe cá nhân 15,1% và những vật phẩm cá nhân (15,3%).

Các cửa hàng bách hóa và dược phẩm sẽ hưởng lợi. Nguồn: Fitch
Các cửa hàng bách hóa và dược phẩm sẽ hưởng lợi. Nguồn: Fitch

Trong ngắn hạn, lĩnh vực hàng bách hóa và dược cũng sẽ chứng kiến nhu cầu tăng mạnh vì sự bùng phát của virus corona. Trong bối cảnh bệnh dịch hoành hành, người tiêu dùng thay đổi mẫu hình hành vi và mua sắm, chuyển sang tích trữ hàng bách hóa, nhất là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe (khẩu trang, nước rửa tay, vitamin…).

Saigon Co.op, một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất Việt Nam, ghi nhận người dân thường xuyên mua thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (mì ăn liền, đường, cơm), nước rửa tay…

Emart – chuỗi cửa hàng bách hóa của Hàn Quốc tại Việt Nam – cũng ghi nhận tăng trưởng doanh số hàng ngày ở mức 2 con số, cao nhất là 40%. Đáng chú ý, doanh số bán thực phẩm khô tăng trưởng 150% và bán giấy vệ sinh tăng 200%.

Ngoài ra, Fitch Solutions cũng lưu ý các công ty về cửa hàng bách hóa và dược quốc tế tại Việt Nam cũng đang mở rộng mạnh và cũng sẽ hưởng lợi từ triển vọng chi tiêu trong trung hạn.

Chẳng hạn, Big C của tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central, Saigon Co.op (mua lại 3 cửa hàng của Auchan) đang trong quá trình mở rộng. Công ty dược Matsumoto Kiyoshi của Nhật Bản dự kiến mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2020. Hai chuỗi Pharmacity và Long Châu cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới.

Diễn biến gần đây của các công ty sở hữu chuỗi siêu thị và dược phẩm. Nguồn: Fitch Solution.
Diễn biến gần đây của các công ty sở hữu chuỗi siêu thị và dược phẩm. Nguồn: Fitch Solutions.

* Chân dung USC Interco - doanh nghiệp bất động sản có vốn 144 ngàn tỷ đồng

* Thâu tóm Nguyễn Kim, Central Group đang nuôi mộng gì tại Việt Nam?