HSBC: Khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam quay trở lại
HSBC kỳ vọng có một sự hồi phục về nhu cầu trong quý IV/2012, đặc biệt sau khi các điều kiện tín dụng đã được nới lỏng cũng như lãi suất đang được kéo thấp, và kết quả chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 đã chứng tỏ điều đó.
Nhìn thoáng qua, Việt Nam trong năm 2012 có vẻ là một đất nước hoàn toàn khác so với năm 2011. Cán cân thương mại từ đầu năm đến nay đang thặng dư (năm 2011 thâm hụt 9,8 tỷ USD), lạm phát đã giảm xuống còn một con số (năm 2011 lạm phát trung bình là 18,6%) và đồng nội tệ tăng nhẹ so với đồng USD 0,8% (năm 2011: đồng nội tệ giảm giá 7,9%).Đây thực sự là một sự thay đổi lớn, đặc biệt trong bối cảnh 2011 tình hình lạm phát cao và đồng nội tệ mất giá khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng quản lý nền kinh tế của Chính phủ. |
Theo HSBC, có hai sự phát triển tích cực đáng khen ngợi, đó là việc PMI tăng tháng thứ hai liên tiếp cũng như sự gia tăng đáng kể về sản lượng và đơn đặt hàng mới mặc dù nhu cầu từ nước ngoài vẫn còn tiếp tục giảm.
Trong khi chỉ số PMI gia tăng thực sự là một tin tốt lành thì điều đáng lưu ý là năng lực trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn chưa được sử dụng hết.
Số lượng công việc tồn đọng chưa được giải quyết vẫn tiếp tục giảm, cho thấy tình trạng sản xuất tại Việt Nam vẫn còn dưới khả năng. Tồn kho hàng hoá thành phẩm cũng đang giảm, trong khi lượng đơn đặt hàng mới đang ngày càng tốt hơn dự kiến thì những nhà sản xuất vẫn nên thận trọng và tiếp tục sử dụng hợp lý hoá lượng hàng tồn kho, HSBC cho hay.
Về lạm phát, theo báo cáo của HSBC, con số lạm phát toàn phần trong tháng 11 phản ảnh nhu cầu nội địa phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là lạm phát cơ bản vẫn còn cao, tháng 11 vẫn tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tháng 10 là 11,2%.
"Áp lực lạm phát đang trên đà tăng ở Việt Nam. Nửa đầu năm 2013, Việt Nam sẽ đối mặt với tình hình lạm phát không mấy thuận lợi, đặc biệt là từ tháng 2 đến tháng 7. Điều này có nghĩa rằng lạm phát toàn phần năm 2013 có thể tăng cao hơn mức dự kiến trung bình 11% nếu như giá dầu tăng, một tác động bất lợi ảnh hưởng đến việc cung thực phẩm cả trong nội địa lẫn toàn cầu hay nhu cầu nội địa phục hồi cao hơn mong đợi", HSBC cảnh báo.
Các chuyên gia của HSBC nhận xét, tháng 11 là một trong những tháng ngọt ngào nhất của năm. Điều này thực sự cần thiết trong bối cảnh những thách thức mà Việt Nam và đặc biệt là những chủ doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, câu hỏi khó là làm sao Việt Nam sẽ tạo ra một bộ máy kinh tế nhẹ nhàng hơn (ví dụ giải quyết vấn đề nợ, tăng hiệu quả của đầu tư công cũng như xây dựng một kế hoạch cụ thể để phát triển trong kỷ nguyên mới) vẫn là một bài toán chưa thể trả lời. Do đó, câu hỏi không phải là liệu Việt Nam có thể phát triển được không mà là bằng cách nào và khi nào nền kinh tế sẽ cất cánh.
Nguồn Khampha