Thứ Ba | 03/04/2012 14:25

HSBC dự báo lãi suất tiền đồng sẽ tiếp tục giảm

Ngân hàng HSBC vừa đưa ra báo cáo nhận định về hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012.
Tiêu dùng nội địa giảm

HSBC cho biết, trong năm 2011, lạm phát duy trì ở mức cao, cùng với chính sách lãi suất huy động cao là nguyên nhân dẫn đến việc lãi suất cho vay lên đến hơn 20%. Trong tình hình giá cả ngày càng leo thang, cộng với chi phí đi vay tăng, rất nhiều doanh nghiệp phải hạn chế vay vốn, còn người tiêu dùng thì phải tiết kiệm chi tiêu. Trong khi chỉ tiêu tín dụng tối đa mà Chính phủ để ra là 20%, con số thực tế chỉ chiếm chưa đầy một nửa. Rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí phải tạm thời dừng hoạt động do thanh khoản kém.

Hậu quả của các chính sách thắt chặt cũng thể hiện ngay ở quý I/2012. Ngành nông nghiệp và dịch vụ phát triển chậm lại, trong khi ngành xây dựng và bất động sản cũng không sáng sủa hơn. Chính lãi suất cho vay cao đã làm cho các doanh nghiệp ít có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn.

Trong năm nay, HSBC dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt khoảng 5,7% do nhu cầu nội địa xuống thấp hơn so với dự đoán trước đó.

Với hi vọng lạm phát sẽ chỉ còn duy trì ở ngưỡng một con số trong quý 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm lãi suất khoảng 1% mỗi quý, do đó, lãi suất trên thị trường mở sẽ về ngưỡng 10% vào cuối năm nay. Tuy vậy, việc làm này cũng sẽ chỉ có tác động nhất định lên nền kinh tế do nhu cầu nội địa hiện vẫn đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, việc nhu cầu nội địa đi xuống cũng giúp giảm nhập khẩu, do đó, giúp thu hẹp khoảng cách nhập siêu. HSBC dự báo năm 2012, kinh tế Việt Nam sẽ đi vào ổn định hơn.

Các chính sách thắt chặt làm tốc độ kinh tế phát triển chậm lại

Việc ngành dịch vụ, chiếm tới 37,7% nền kinh tế, giảm từ 8,7% quý IV/2011 xuống 5% quý I/2012 gây ảnh hưởng rất lớn đền nền kinh tế Việt Nam. Sự giảm tốc của ngành dịch vụ cho thấy người dân đang cắt giảm chi tiêu do phải đối mặt với chi phí đi vay lớn và hi vọng lạm phát giảm tốc trong thời gian tới. HSBC cho rằng, ngành dịch vụ trong các quý tới sẽ tiếp tục đi xuống mặc dù lãi suất cho vay đã giảm.

Về ngành công nghiệp và xây dựng, chiếm tới 40% GDP, hiệu ứng của chính sách thắt chặt tín dụng tác động lớn nhất lên ngành xây dựng khi giảm tới 8,3% trong quý I/2012 và 10,5% trong quý IV/2011. Ngược lại, giá các mặt hàng tăng cao lại giúp ngành khai thác dầu mỏ phát triển. Dù giảm lãi suất cho vay, HSBC cho rằng ngành xây dựng sẽ không phục hồi nhiều trong năm nay.

Các ngành nông nghiệp, thủy sản, và lâm nghiệp cũng bị ảnh hưởng lớn từ chính sách thắt chặt, tuy không bị ảnh hưởng nhiều như ngành dịch vụ và xây dựng.

Xuất khẩu chậm lại do nhu cầu quốc tế giảm

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng chịu tác động rất lớn bởi nhu cầu quốc tế giảm. Nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại cộng với các vấn đề hiện nay tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới. Lực cầu từ Trung Quốc giảm được thể hiện qua các mặt hàng như các linh kiện máy tính, thép, than và các sản phẩm hóa học. Lượng xuất khẩu trong tháng 3 chỉ tăng 23%, thấp hơn nhiều so với con số 60,6% trong tháng 2.

Kết thúc quý I/2012, Việt Nam chỉ nhập siêu 235,9 triệu USD, giảm rất nhiều so với con số 1.619,1 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái. HSBC dự đoán nhập siêu của Việt Nam trong năm 2012 sẽ là 9,6 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với năm 2011.

Lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh

Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm giảm cầu để giúp kìm lạm phát đã khá thành công. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại. Mặc dù trong tháng 3, giá dầu tăng tới 10%, tuy nhiên, lạm phát tháng này chỉ ở ngưỡng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm so với mức 16,4% của tháng 2.

Với tình hình nhu cầu nội địa còn ở mức thấp như hiện nay, HSBC cho rằng trong năm nay, lạm phát sẽ còn tiếp tục giảm tốc. Việc Ngân hàng Trung ương hạ trần lãi suất 1% hôm 13/3 vừa qua cho thấy nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm lãi suất cho vay.

HSBC dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm trẫn lãi suất khoảng 1% mỗi quý trong năm 2012 này.

Nguồn NDH Money


Sự kiện