Thứ Bảy | 14/12/2013 11:38

Hiệp định TPP: Thách thức của cả hai thị trường

Theo các chuyên gia, thách thức đối với DN Việt Nam trước thềm TPP ngày càng rõ ràng, không chỉ là thị trường XK mà là cả thị trường nội địa.

Rào cản kỹ thuật

Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 của Việt Nam được xem như là bước hội nhập theo chiều rộng với thị trường của hơn 150 nước thành viên. Tuy nhiên, việc Việt Nam đàm phán và tham gia vào TPP tới đây sẽ thực sự là một cuộc hội nhập theo chiều sâu, với các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn, ở nhiều lĩnh vực, do đó mức độ tác động tới tương lai của nền kinh tế cũng như của mỗi ngành cũng lớn và phức tạp hơn.

Đơn cử như với lợi thế được ưu đãi thuế quan khi XK hàng hóa sang các nước thành viên của TPP, DN có thể không nắm bắt được cơ hội này nếu không hiểu kỹ về những quy định đặt ra.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với TPP mặc dù thuế quan giảm nhưng nhưng “bẫy” phi thuế quan tăng với những rào cản kỹ thuật và yêu cầu về xuất xứ khắc nghiệt.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đưa ra những ví dụ về thách thức kỹ thuật đối với DN Việt Nam.

Ví dụ các DN thấy rõ nhất là quy tắc “từ sợi trở đi” đối với ngành Dệt may hoặc như nguyên tắc chuyển đổi dòng thuế. Tiêu chí này quy định hàng hóa “có xuất xứ” là hàng hóa được sản xuất hoàn toàn trên lãnh thổ của một hoặc nhiều thành viên TPP và có sự chuyển đổi dòng thuế (sự khác biệt về mã số HS) giữa nguyên liệu “không xuất xứ” (nhập từ nước không phải là thành viên của TPP) và thành phẩm XK. Tuy nhiên, tiêu chí này không phải là tiêu chí áp dụng chung và tuyệt đối mà căn cứ theo từng Phụ lục quy định đối với từng loại hàng hóa.

Ngoài ra, DN Việt Nam đang cạnh tranh trên thị trường thế giới chủ yếu bằng giá nên thách thức trước mắt là thuế MFN (thuế tính theo ưu đãi tối huệ quốc) mà Việt Nam đang hưởng, đặc biệt ở những nhóm hàng XK thế mạnh của Việt Nam, ở một số thị trường các nước TPP lại khá cao.

Thách thức trên thị trường nội địa

Đối với thị trường nội địa, DN sẽ có cơ hội NK nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị, máy móc chất lượng tốt hơn. Nhưng cùng với đó cũng là thách thức đặt ra khi DN phải đối mặt với đối thủ mạnh hơn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và kinh nghiệm trên cả lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.

Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương, ngành Nông nghiệp là đối tượng được hưởng cơ hội khi tham gia TPP vì có thị trường rất lớn là Mỹ và Bắc Mỹ nhưng thách thức là DN Việt phải cạnh tranh với các đối thủ không cân sức như Australia, Mỹ...

“Chúng tôi thấy thách thức rất lớn nhất là về nông nghiệp, sau WTO chúng ta tăng trưởng XK nông nghiệp 17% nhưng ngành Nông nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng do sản xuất nhỏ, manh mún, chất lượng không đồng đều, đặc biệt chúng ta đang thực hiện cạnh tranh bằng giá. Để tận dụng hết cơ hội của TPP, DN nông nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng về cơ chế, chính sách và đặc biệt là nâng cao chất lượng, dịch vụ” - bà Trần Kim Liên cho biết.

Phân tích về lĩnh vực nông nghiệp, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, vòng đàm phán thứ 19 của TPP tại Brunei vừa qua không đạt được đồng thuận của các quốc gia về việc mở cửa thị trường nông sản. Nhiều quốc gia vẫn cương quyết bảo hộ nền nông nghiệp trong nước. Do đó có thể thấy, cạnh tranh trong lĩnh vực này là cực kỳ khốc liệt.

Ông Trần Đình Thiên đặt ra vấn đề sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sẽ rất khó khăn khi các nông hóa phẩm mà Việt Nam hiện nay sử dụng theo quy định của TPP thì phải có bảo hộ sáng chế, vì vậy sau này chi phí sản xuất sẽ cao trong khi hiện nay người nông dân vẫn đang phải gánh chi phí rất lớn cho thuốc bảo vệ thực vật, thú y... Ngoài ra, việc sử dụng những sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP cũng khắt khe hơn, chưa kể theo đề xuất sử dụng chỉ dẫn địa lý của TPP, thương hiệu ai đăng ký trước sẽ được bảo hộ ngay lập tức.

Đối với ngành Chăn nuôi, ông Trần Đình Thiên cho biết, chăn nuôi có 3 đối tượng chính là heo, gà và bò. Chăn nuôi gà Việt Nam không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị xóa sổ. Đối với chăn nuôi heo, Việt Nam có ưu thế sản xuất nội địa vì người dân có thói quen sử dụng thịt tươi. Tuy nhiên xu hướng tiêu dùng cũng này sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh... Chính vì vậy cả ngành chăn nuôi heo và gà có thể đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, TPP đối với ngành Chăn nuôi Việt Nam là thách thức lớn. Thực trạng ngành Chăn nuôi là nhỏ lẻ và cạnh tranh về giá. Điều này không chỉ xảy ra với riêng sản phẩm nông nghiệp nước ta mà là hiện trạng chung của nhiều ngành hàng khác khi nước ta gia nhập WTO. Tuy nhiên, khi gia nhập WTO, Việt Nam đang trong chu kỳ phát triển, tâm thế của DN và người dân đều ở ngưỡng cao.

Còn với TPP, DN nước ta lại một lần nữa ra biển lớn, nhưng với những quy định cụ thể và ngặt nghèo hơn trong bối cảnh “sức vóc” của kinh tế Việt Nam chưa phục hồi sau ảnh hưởng của khó khăn của nền kinh tế. Rõ ràng, hành trang ra biển lần này của DN đã ít hơn cả về “thế và lực”. Do đó, nếu không có quyết tâm cao nhất cả từ phía DN và cơ quan bộ ngành, có thể cơ hội sẽ một lần nữa vuột qua.

Nguồn Báo Hải quan


Sự kiện