Sơn Phạm

 
Hoàng Anh Thứ Ba | 29/08/2017 08:00

Hàng Việt lách cửa hẹp sang Thái

Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, cũng như là quốc gia đông dân thứ 4 tại Đông Nam Á,

Món phở ở Việt Nam ra sao, thì ra nước ngoài phải giữ nguyên mùi vị như vậy”, vừa nói vừa thoăn thoắt trụng bánh phở, múc nước dùng, anh Vũ Ngọc Đức, đầu bếp nấu phở Nam Định trứ danh, nhanh tay phục vụ hơn chục thực khách. Trong khuôn khổ Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan lần thứ 2, phở, nem nướng, gỏi cuốn... những món ăn Việt được thực khách Thái Lan khen hết lời. Song ngoài ẩm thực, hành trình các mặt hàng Việt muốn đem chuông đánh xứ người, cụ thể là đất nước chùa Vàng Thái Lan còn lắm gian nan.

Thăm dò cơ hội

“Vải Việt Nam ngọt hơn, hạt nhỏ và thơm hơn vải Thái”, ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty Phong Sơn Tiệm, nhận định. Đó là lý do trong năm qua, Công ty đã xuất khẩu hơn 2 tấn vải sang thị trường này. Đã quen làm hàng xuất đi Úc, song ông Đào cho biết yêu cầu của thị trường Thái cũng không dễ hơn, giai đoạn chuẩn bị hậu cần từ bao bì, nhãn mác cũng rất kỹ. Nếu không bằng chất lượng, nông sản Việt khó cạnh tranh với nông sản nội địa của Thái bằng giá. Tại siêu thị, mỗi kg nhãn Thái được bán với giá 39 baht (tương đương 28.000 đồng), trong khi giá nhãn ven đường tại Việt Nam đã là 35.000 đồng.

Vải, nhãn chỉ là số ít trái cây Việt Nam có tiềm năng xuất sang Thái Lan. Các lợi thế trái cây Việt như xoài, măng cụt, thanh long... cũng là thế mạnh của đất nước này. “Do đó, nông sản Việt một là phải tận dụng thời điểm trái vụ, hai là phải khác biệt từ bao bì, đóng gói, phân phối mới mong cạnh tranh được với trái cây nội địa của Thái Lan”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, chia sẻ với NCĐT.

Trong hơn 40 gian hàng tham gia triển lãm Tuần hàng Việt Nam tại Thái vừa qua, chủ yếu là các mặt hàng ẩm thực, thức ăn chế biến và đóng gói. Theo ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, thực phẩm là nhóm hàng có nhiều cơ hội để xuất ngoại nhưng cũng khó khăn vì yếu tố tiên quyết là nhóm hàng thuộc về thưởng thức nên phải phù hợp về mùi vị, cảm quan.

Bích Chi, thương hiệu Việt có tiếng về thực phẩm chế biến, cũng chưa tìm được nhiều cơ hội. Đã xuất khẩu sang trên 40 nước, song muốn vào thị trường 68 triệu dân của Thái Lan, Bích Chi phải đi theo con đường cạnh tranh về giá nhắm đến phân khúc bình dân và tầm trung. Bánh phở, bún, bánh tráng, đồ ăn liền... những món làm từ gạo, nhiều dinh dưỡng, ít nóng là những mặt hàng của Bích Chi được các nhà nhập khẩu Thái Lan quan tâm. Trước đây, sản phẩm của Công ty đã hiện diện ở thị trường này, trung bình 1 container/tháng, nhưng theo hình thức gia công, không giữ được thương hiệu.

Thuế suất, thiết kế bao bì và yêu cầu chất lượng là những rào cản Bích Chi hiện gặp phải khi muốn vào thị trường này. “Các sản phẩm phở, bún của Thái rất đẹp, cọng thẳng băng, Việt Nam chưa có được công nghệ đó. Với bánh tráng, nhà nhập khẩu Thái yêu cầu chất lượng Great A, không rách lỗ 100%, nguồn gốc organic và đạt tiêu chuẩn FDA của Thái Lan”, bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, Phó phòng Xuất nhập khẩu của Công ty Bích Chi, chia sẻ những quy cách chất lượng được yêu cầu từ đối tác.

Hang Viet lach cua hep sang Thai

Nhưng không phải không có cơ hội, hàng Việt đang được một số nhà nhập khẩu Thái kỳ vọng sẽ đánh bật và thay thế được hàng Trung Quốc trong một số ngành hàng nhất định. Hơn 70% thị trường thiết bị điện của Thái Lan là hàng Trung Quốc, phần còn lại lắp ráp từ các linh kiện nhập khẩu chứ không sản xuất trong nước. Đó là cơ hội mà Rạng Đông nhận thấy khi tìm hiểu thị trường Thái Lan. Hai sản phẩm chủ lực của Rạng Đông là đèn và phích nước đều là những mặt hàng Thái Lan không tự sản xuất nên đã mở ra một cơ hội cho những doanh nghiệp Việt cùng ngành. Song với các công ty này, khó khăn gặp phải lại là các chứng từ, giấy phép liên quan về kỹ thuật, xin ở đâu, xin thế nào, cần những thủ tục gì. Ngay cả như bóng đèn Điện Quang dù đã thương lượng đến gần 80% quá trình nhưng vẫn chưa thể đưa hàng lên kệ.

Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khi vào Thái Lan thì lại có những đơn vị chưa mặn mà với thị trường này. “Hơn 90% thị trường hóa mỹ phẩm tại Thái là sản phẩm nội địa, nếu xuất khẩu sang đây, chúng tôi có thể phải đổi tên thương hiệu, thay đổi mùi hương, đầu tư nhiều cho quảng cáo mà chưa biết lợi nhuận đem về ra sao”, đại diện Công ty Mỹ Hảo cho biết.

Kiên nhẫn từ bước đi đầu tiên

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Thái Lan là 8,28 tỉ USD. Trong đó trị giá xuất khẩu của Việt Nam là 2,64 tỉ USD. Hai nước đã đặt mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch thương mại đạt 20 tỉ USD/năm. Mặc dù vậy, theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2017 là gần 3 tỉ USD.

Hàng hóa Việt Nam tìm đường sang Thái Lan cũng dễ hiểu khi đây là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN, đông dân thứ 4 tại Đông Nam Á, có sức mua mạnh và nhu cầu tiêu thụ tương đồng với Việt Nam. Hoa Hasfarm, nước mắm Chinsu, sữa chua Vinamilk... là những mặt hàng đã tìm đường thành công vào các hệ thống phân phối của Thái.

Chinsu, Nam Ngư là những mặt hàng nước mắm của Masan bán được ở hệ thống siêu thị của Central Group hơn 1 năm nay. Nhắm vào thị trường nước mắm Thái Lan trị giá hơn 200 triệu USD, nước mắm Việt khi qua Thái được điều chỉnh vị mặn hơn vì dùng để nấu, trộn gỏi chứ không dùng để chấm. Masan khá nhanh chân khi sớm giành chỗ ở 1 trong 5 loại gia vị quan trọng nhất với người Thái là nước mắm, chanh, đường, dầu ăn và ớt, những món mà người dân quan tâm đến mùi vị hơn là hàm lượng dinh dưỡng.

Thái Lan là một đất nước du lịch, nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được các đối tác Thái để ý. Đại diện Công ty Vietnam Handicraft cho biết mặt hàng lưu niệm làm từ tre, bèo, cói hoặc nguyên liệu tái chế từ lốp xe, vỏ trứng... rất được quan tâm. Công ty này đã xuất khẩu đều đặn 5.000-10.000 chiếc chén dừa/tháng qua Thái bán tại các cửa hàng cho khách du lịch. Gian hàng Hanh Silk, phát triển sản phẩm từ làng dệt đũi Nam Cao, tỉnh Thái Bình không đủ hàng để bán tại kỳ triển lãm.

Chị Lương Thanh Hạnh, Giám đốc Hanh Silk, cho biết nguồn nguyên liệu của Thái không đủ cung cấp cho thị trường nội địa, Công ty đã xuất khẩu lụa dệt mộc sang Thái để họ nhuộm màu và bán. Các sản phẩm sáng tạo từ lụa chưa có trên thị trường như vớ, khăn mặt, khăn tắm đang được chị kỳ vọng ký kết xuất khẩu thành công trong chuyến công tác này. Thương hiệu Vinamit với các sản phẩm trái cây sấy của Việt Nam cũng được các đối tác khen về mùi vị. Xoài sấy, mít sấy của Thái không thiếu, nhưng vì Vinamit không sử dụng hương liệu tạo màu tạo mùi và có nguồn gốc organic nên các sản phẩm được nhà nhập khẩu ăn thử và ưa thích.

Tham gia Tuần hàng Việt Nam lần này có 43 doanh nghiệp Việt Nam với khá nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam như Biti’s, Vinamit, Mỹ Hảo, Highlands Coffee, NutiFood cùng các loại trái cây đặc sản trong nước. Các doanh nghiệp đều nhìn nhận thị trường Thái Lan nhiều tiềm năng nhưng cũng rất cạnh tranh bởi nền sản xuất ở đây phát triển, sản phẩm Thái Lan cạnh tranh hơn hàng Việt Nam về giá cả, bao bì. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là điểm đến của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới ở tất cả các phân khúc nên hàng Việt không dễ trụ ở thị trường này.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt Nam bán qua rất nhiều đại lý, họ đóng gói lại, dùng thương hiệu riêng, vì vậy thương hiệu Việt trên trường quốc tế hầu như không phát triển được. “Cố gắng vào được các chuỗi phân phối lớn của Thái nói riêng, các nước khác nói chung, có thể bằng cách đồng thương hiệu trước là những bước đầu tiên để phát triển thương hiệu Việt”, ông Hải cho biết.

Về vấn đề này, ông Philippe Broianigo cũng cho rằng, để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường mới ở nước ngoài cần có thời gian và nhiều nỗ lực của cả bên bán và bên mua. Central Group tạo cơ hội để hàng Việt Nam thu thập thêm nhiều kinh nghiệm và thông tin thị trường thực tế, qua đó có những chiến lược phát triển thị trường quốc tế phù hợp hơn.

Hoàng Anh