Hàng tiêu dùng nhanh khu vực nông thôn tăng vượt thành thị
→Nông thôn là thị trường "màu mỡ" của ngành hàng tiêu dùng nhanh
→Thị trường tiêu dùng nhanh: Nông thôn tăng trưởng cao hơn thành thị
Kết quả khảo sát trên do công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố. Cụ thể, trong quý I/2018, tăng trưởng về giá trị tại 4 thị trường thành thị lớn chỉ đạt 4,1%, trong khi tại nông thôn là 4,3%.
Cũng theo khảo sát này, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình tại cả hai thị trường này đều tăng rất nhanh. Đáng chú ý là ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa lại tăng trưởng âm ở khu vực thành thị do những thay đổi trong tư duy của các bà mẹ và sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các sản phẩm dinh dưỡng khác.
Báo cáo Market Pulse của Nielsen dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ được sử dụng sử dụng trong bài viết cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, thị trường nông thôn tiếp tục là mảnh đất giàu tiềm năng với các doanh nghiệp. Tăng trưởng trong quý này của khu vực nông thôn đạt 7.6% (với 7,4% đến từ tăng trưởng sản lượng) và tiếp tục đóng góp 54% trong tổng doanh số của ngành hàng FMCG toàn quốc. Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG tại khu vực thành thị chỉ đạt 4,7% trong quý này.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam:
“Những chuyển biến tích cực này chính là kết quả của sự lạc quan khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt. Tuy nhiên, thị trường FMCG trong hai năm qua liên tục cho thấy những biến động.
Và trong quý này, sự biến động này lại một lần nữa thể hiện thông qua sự trì trệ của các nhóm ngành hàng lớn mặc dù tổng thể ngành hàng tiêu dùng nhanh vẫn tăng trưởng tích cực trong quý này. Những biến động này đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các nhà sản xuất phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời để nắm bắt những cơ hội mới trên thị trường nhằm mang đến lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp”, ông Dũng phân tích.
Ông Dũng cũng nhận định thêm rằng: “Khu vực nông thôn vẫn mang trong mình nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất vẫn chưa khai thác hết. Các nhà sản xuất cần phải có những chiến lược kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng đến từ nông thôn và tận dụng lợi thế của kênh bán hàng truyền thống là điều rất quan trọng tại nông thôn”.
“Tuy nhiên, kênh bán hàng truyền thống rất phức tạp và có tính cạnh tranh rất cao. Và việc đưa sản phẩm vào cửa hàng tại nông thôn không phải là một bài toán dễ dàng. Do đó, xác định được đâu là những cửa hàng/khu vực trọng tâm sẽ giúp doanh nghiệp tối đa hóa được nguồn lực và mang lại mức lợi nhuận cao nhất với chi phí hợp lý. Vì cộng đồng nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp, nên việc hiểu rõ họ là ai, họ mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất cũng như cách thức họ mua sắm như thế nào sẽ là điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong tương lai”, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam nói.