Ảnh: China briefing.

 
Phạm Vũ Thứ Hai | 30/12/2019 11:09

Hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục tràn ngập ở thị trường Việt

Trong 11 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung ứng hàng hóa lớn nhất cho thị trường Việt Nam...

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng 11/2019 là 21,34 tỷ USD, giảm 4,6% so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 11/2019, trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 230,71 tỷ USD. Trong đó, đã có tới 36 nhóm hàng chính đạt trên 1 tỷ USD, chiếm gần 90% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. 

Các mặt hàng tăng chủ yếu là: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng khác, ô tô nguyên chiếc các loại; than, dầu thô,...

10 nhóm hàng nhập khẩu đạt mức tăng về trị giá lớn nhất trong 11 tháng/2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
10 nhóm hàng nhập khẩu đạt mức tăng về trị giá lớn nhất trong 11 tháng/2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Đáng chú ý, phần lớn các loại hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc là chủ yếu. Từ các sản phẩm thường ngày như may mặc, điện thoại đến các mặt hàng như sắt thép và cả hóa chất,...

Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Cụ thể, đối với các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch trong 11 tháng đầu năm 2019 là 47,05 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường cung ứng lớn nhất cho thị trường Việt Nam với giá trị lần lượt 15,8 tỷ USD và 11,09 tỷ USD.

Đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, giá trị nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2019 là 33,14 tỷ USD. Trong đó, lượng hàng nhập từ Trung Quốc là 13,36 tỷ USD.

Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy), trị giá nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt 22,15 tỷ USD. Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 10,5 tỷ USD.

Chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo có tổng kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng/2019 đạt 14,15 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,...

Tính đến hết tháng 11/2019, trị giá nhập khẩu nhóm điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,37 tỷ USD. Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 12,31 tỷ USD, chiếm 92,1% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó từ Trung Quốc là 6,98 tỷ USD.

Trong 11 tháng/2019, lượng nhập khẩu sắt thép các loại đạt 13,36 triệu tấn, trị giá 8,79 tỷ USD. Kết thúc tháng 11/2019, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 4,89 triệu tấn, đứng thứ 2 là Ấn Độ với 1,89 triệu tấn và thứ ba là Nhật Bản với 1,88 triệu tấn.

Hóa chất và sản phẩm từ hóa chất trị giá nhập khẩu hai nhóm hàng này trong 11 tháng/2019 đạt 9,59 tỷ USD, trong đó 2,92 tỷ USD giá trị hàng hóa này có xuất xứ từ Trung Quốc.

►Sắt thép và hàng hóa Trung Quốc ngập tràn thị trường Việt Nam

►Việt Nam lên tiếng về việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất khẩu

Nguồn Tổng cục Hải quan