Hàng hiệu khủng hoảng
Hoạt động kinh doanh đình đốn của ngành hàng xa xỉ dường như là một điều ngạc nhiên khi xét đến việc kinh tế Mỹ và châu Âu đang có đà tăng trưởng tốt, trong khi kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 7%/năm.
Thông thường khi kinh tế tăng trưởng ổn định, người ta sẵn sàng bỏ tiền để mua những chiếc túi xách đắt tiền và chi tiền cho những nhãn hàng xa xỉ. Nhưng hiện nay thì không như vậy.
Prada, LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) và Gucci đều đang gặp không ít khó khăn.
Prada thiệt hại nặng nề nhất
Theo báo cáo mới nhất của hãng thời trang danh tiếng Italia, trong năm tài khóa kết thúc vào 31/1/2015, lợi nhuận của hãng giảm 28%, doanh thu 2014 giảm 1% xuống 2,6 tỷ bảng Anh (3,8 tỷ USD), thu nhập ròng đạt 330 triệu bảng Anh (482,3 triệu USD), thấp hơn so với 343 triệu bảng Anh (501,3 triệu USD) ước tính của giới phân tích và giảm so với 460 triệu bảng Anh (672,3 triệu USD) năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh số bán trên thị trường Trung Quốc năm 2014 giảm 1% xuống 2,6 tỷ bảng Anh (3,8 tỷ USD).
Chỉ 3 năm trước, mọi chuyện hoàn toàn khác biệt.
Năm 2012, Prada tự hào tuyên bố rằng doanh thu ròng của hãng tăng 29%.
Tuy nhiên, sau khi thông báo doanh số bán đáng thất vọng và lợi nhuận giảm trong năm 2014, Prada cho biết sẽ tiến hành “cải tổ” một số quy trình sản xuất và sẽ cắt giảm chi phí. Hãng cũng cắt giảm tham vọng bán lẻ: Dự định chỉ mở thêm 30 cửa hàng mới trong năm 2015 này, trên toàn thế giới, so với 54 cửa hàng trong năm 2014.
Gucci - cái gai trong mắt Kering
Kering SA - công ty mẹ của Gucci - hồi tháng 2/2015 tiết lộ rằng tăng trưởng doanh thu của Gucci rất đáng thất vọng, giảm 1,1%.
Biểu đồ dưới cho thấy Gucci là nhãn hiệu thời trang xa xỉ duy nhất của Kering có doanh thu giảm trong năm 2014.
Trong khi đó, tổng doanh thu của Kering - đồng thời sở hữu thương hhiệu Bottega Veneta và Yves Saint Laurent - năm 2014 tăng 4% lên 7,3 tỷ bảng Anh.
Tuy nhiên, Kering cũng thừa nhận những vấn đề xung quanh Gucci và thông báo đội quản lý mới cho thương hiệu hãng sang này. Kering cũng dự định “tái sinh” thương hiệu này bằng cách tạo ra tính nhận diện mới.
Khoảng 79% doanh thu của Gucci năm 2014 đến từ các cửa hàng nhãn hiệu này điều hành trực tiếp. Gucci cho biết sẽ làm mới và hợp nhất các cửa hàng này và giảm tốc độ khai trương cửa hiệu mới.
LVMH vật lộn với khó khăn
5 năm trước, LVMH từng công bố tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Những thời hoàng kim đã lùi xa. Doanh thu của thương hiệu này đã 2 năm nay không thể đạt nổi mức 2 con số.
So với Prada, kết quả hoạt động của LVMH không quá tồi tệ. Doanh thu của hãng năm 2014 tăng 6% đạt 22,3 tỷ bảng Anh, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của các thương hiệu như Christian Dior, Bvlgari và Sephora.
Nhưng thời huy hoàng của LVMH dường như đã lùi xa bất chấp kinh tế toàn cầu đang khởi sắc.
Đâu là nguyên nhân
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2013. Các thương hiệu - dựa vào châu Á để có được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất - bắt đầu gặp khó khăn.
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch kiểm soát “quà tặng” - truyền thống lâu đời tại châu Á - hoạt động của các thương hiệu lớn chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Châu Á đến nay vẫn là thị trường lớn nhất của Prada. Do vậy, khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch kiểm soát quà tặng sang trọng, Prada chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong khi đó, tuy doanh thu của Gucci khá thất vọng so với các thương hiệu khác thuộc sở hữu của Kering, song chiến lược đa dạng hóa thị trường đã giúp thương hiệu này phần nào giảm được tác động tiêu cực từ quyết sách của Trung Quốc khi mức độ lệ thuộc vào châu Á ngày một giảm.
Trong khi đó, LVMH xác nhận rằng đà tăng trưởng khả quan tại Mỹ và châu Âu giúp hãng giảm nhẹ cú sốc tại Trung Quốc.
Nguồn NCĐT/Business Insider