Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483.000 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Ảnh: Quý Hòa.

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 25/07/2023 17:45

Hãng bay cố gắng giữ chuyến, chấp nhận hệ số ghế giảm

6 tháng đầu năm, tổng lượng khách đi máy bay của các hãng hàng không trong nước đạt 34,7 triệu, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Hàng không Việt Nam, ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết 6 tháng đầu năm, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73,5% so cùng kỳ 2019. Khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ 2019.

 

Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483.000 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 405.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2022. Hàng hóa nội địa đạt 77.600 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.

Nhận định về thị trường, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết lĩnh vực vận tải hàng không quốc tế đã cơ bản ổn định trở lại, nhưng phục hồi vẫn chậm hơn dự báo, chỉ bằng 88% so với năm 2019. Dự kiến, đến năm 2024 mới có thể về bằng mức trước dịch COVID-19.

Ông Thành cũng cho rằng hiện đang có sự đánh giá khác nhau về khả năng phục hồi của hàng không. Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam đang đánh giá mức độ phục hồi bằng số lượng chuyến bay, còn hãng hàng không đánh giá bằng lượng khách. 

"Nếu tính số chuyến thì hàng không cơ bản đã phục hồi, nhất là trên các đường bay đi/đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, về số lượng khách thì không được như vậy. Trên thực tế, các hãng hàng không phải giữ chỗ cho lịch bay mùa hè năm 2024 nên phải cố gắng giữ số chuyến, bất kể hệ số sử dụng ghế ở mức thấp”, ông Thành chia sẻ.

Phân tích rõ hơn, ông Thành cho biết đến tháng 7, tổng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam mới chỉ đạt 10%, khách Nhật Bản đạt 54%. Riêng khách Hàn Quốc đạt 80% do khách công vụ nhiều nhưng lượng khách du lịch vẫn thấp. Khả quan nhất là khách Ấn Độ tăng gần gấp đôi, còn khách Australia và Mỹ tăng hơn 10%.

 

Tại thị trường nội địa, lượng khách đã vượt so với năm 2019 khoảng 10% nhưng giảm hơn so với năm 2022. Trong cao điểm hè, dù lượng khách tăng 14% nhưng giá bình quân lại giảm 14%. Nguyên nhân là do cung vượt cầu khi các hãng hàng không không bay được quốc tế nên dồn tải vào thị trường nội địa.

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận xét: “Thực tế là hàng không đã phục hồi cơ bản cả nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hệ số sử dụng ghế bình quân trên các đường bay quốc tế chỉ khoảng 67-68%. Con số này thấp hơn khoảng hơn 10% so với năm 2019 trước khi có dịch COVID".

Bổ sung thêm nhận định của ông Trịnh Ngọc Thành, ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ: "Thông thường, cao điểm hè thường kéo dài đến khoảng 15/8, thậm chí là tuần thứ 3 của tháng 8. Tuy nhiên năm nay, mới đến 15/7 lượng khách đã giảm. Chưa kể đến việc khách giảm nhưng hãng vẫn phải bay đều để giữ chỗ bay. Không bay thì sợ mất chỗ".

Có thể bạn quan tâm:

7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả vượt cả năm 2022