Hai kịch bản cho CPI tháng 10
Thêm vào đó, một số loại nguyên, nhiên liệu đang có xu hướng điều chỉnh giá cũng sẽ tác động làm tăng giá hàng hóa tại thị trường trong nước. Hai kịch bản cho CPI tháng 10 đã được các chuyên gia dự báo.
Với kịch bản 1, nếu dịch vụ y tế và giáo dục chưa điều chỉnh tăng tại một số địa phương, dự kiến CPI tháng 10 chỉ tăng khoảng 0,8-1% so với tháng 9 và CPI cả năm sẽ tăng khoảng 8%.
Trong trường hợp giá dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình (hiện đã có 6 tỉnh được UBND cấp tỉnh phê duyệt tăng phí dịch vụ y tế trong tháng 10) thì CPI tháng 10 sẽ tăng khoảng 1,2-1,5%. Như vậy, khả năng kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức 1 con số sẽ rất khó khăn.
Dự báo của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, giá thực phẩm cũng sẽ là mối lo ngại trong những tháng cuối năm, bởi nhóm thịt nhiều khả năng sẽ tăng giá do thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao trong khi dịch cúm gia cầm thường bùng phát vào thời điểm này.
CPI tháng 9 bất ngờ tăng mạnh trong bối cảnh giá nhiều hàng hóa, dịch vụ tiếp tục điều chỉnh khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cho biết, nếu có yếu tố tăng giá xuất phát từ quý IV/2012 thì giá cả sẽ chịu ảnh hưởng tăng trong những tháng đầu năm tiếp theo khiến lạm phát cả năm 2013 tăng cao.
Giải pháp kiềm chế tăng CPI cho các tháng tiếp theo được chuyên gia Nguyễn Thị Hiền đưa ra là giảm tăng trưởng tín dụng bởi nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm là rất lớn khiến cung tiền ra thị trường tăng mạnh. Siết chặt tín dụng chính là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm cuối năm.
TS. Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, chính sách tiền tệ những tháng cuối năm có thể duy trì nới lỏng để cứu các doanh nghiệp. Nhưng nếu Chính phủ đã có chủ trương nới tiền tệ thì cần siết chặt chính sách tài khóa, mà ở đây là thực hiện đúng mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đặt ra từ đầu năm để không làm ảnh hưởng tới lạm phát trong năm sau.
Nguồn Hà Nội mới