Giá xăng tăng sát Tết làm khổ doanh nghiệp
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết việc xăng dầu tăng giá gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. “Theo ước tính, xăng dầu tăng 10 đồng sẽ làm giá thành cước vận tải tăng khoảng 4-5 đồng. Giá cước chưa thể tăng thì doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ phần đó”, ông Thanh nói.
Đặc biệt, đây là thời điểm doanh nghiệp dồn sức cho các đơn hàng cuối năm nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa nguyên liệu lên cao, ngành vận tải phải hoạt động hết công suất. Việc giá cước chưa tăng dẫn đến “càng chạy càng lỗ”, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Hải Phòng chia sẻ.
Nhiều hãng taxi lo càng chạy càng lỗ khi giá xăng tăng. Ảnh: Anh Quân. |
“Sát Tết, nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa cho các đầu mối tiêu thụ, nhu cầu mua nguyên liệu, sản phẩm tích trữ sau Tết cũng tăng dẫn đến lượng hợp đồng vận chuyển lên cao nhất trong năm. Nay giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp rơi vào thế kẹt”, vị này cho hay.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi - cũng ước tính, mỗi hãng xe có thể chịu lỗ thêm ít nhất 50 triệu một tháng khi giá xăng tăng. Ông cho biết, giá xăng tăng 600 đồng một lít thì chi phí cho mỗi đầu xe tăng thêm khoảng 500.000 đồng. "Như vậy, hãng nào có 100 xe là đã mất không 50 triệu rồi. Chưa kể doanh nghiệp nào càng lớn càng lỗ", ông cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị vận tải vẫn đề ngỏ khả năng tăng giá cước. Đại diện Hiệp hội Taxi cho biết tạm thời chưa có phương án tăng. "Chúng tôi đang cân nhắc và cần xem xét kỹ toàn bộ chu kỳ lên xuống của giá thay vì chỉ nhìn vào điều hành tăng, giảm của giá xăng", ông Bình giải thích.
Chủ một doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng cũng cho biết khó điều chỉnh ngay. Ông cho hay, do đặc thù của ngành vận tải là xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, lại luôn biến động theo giá thế giới nên trong các hợp đồng dài hạn với khách hàng, công ty bao giờ cũng có điều khoản “khi giá nguyên liệu biến động thì sẽ điều chỉnh giá cước”. Tuy nhiên, việc tăng bất ngờ vừa qua khiến doanh nghiệp ông chưa kịp đàm phán với đối tác.
“Việc chủ hàng có chấp nhận tăng giá cước hay không doanh nghiệp chưa thể xác nhận do hợp đồng đã ký với khách hàng. Chúng tôi có thể đề xuất nhưng cũng cần thời gian để đối tác bàn bạc và mức tăng bao nhiêu cũng cần phải thống nhất giữa hai bên”, ông nói.
Trong khi đó, phía doanh nghiệp sản xuất cũng không dễ thở hơn so với ngành vận tải. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan nhận định việc tăng giá xăng dầu vào thời điểm sát Tết như hiện là không hợp lý vì gây ảnh hưởng đến yếu tố tâm lý và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông bày tỏ, giá thịt heo nguyên liệu năm nay tăng cao do mất cân đối cung cầu song công ty vẫn phải giữ nguyên giá bán để bình ổn thị trường. Nay giá xăng dầu tăng có thể gây hiệu ứng dây chuyền, khiến nhiều nguyên liệu khác có thể thi nhau lên giá và làm khó doanh nghiệp.
Năm nay, lượng hàng phục vụ Tết của Vissan tăng khoảng 20% so với năm ngoái, nếu cước vận tải tăng sẽ làm công ty phát sinh thêm nhiều chi phí vận chuyển. “Song cũng không thể yêu cầu doanh nghiệp vận tải không tăng vì họ cũng phải kinh doanh kiếm lời. Nhưng khi sức mua chưa khởi sắc như hiện nay, các doanh nghiệp cũng nên hỗ trợ nhau bằng một mức cước hợp lý”, ông Mười đề xuất.
Đại diện Công ty Thực phẩm Quốc tế cũng chia sẻ sự ngao ngán khi giá xăng tăng. Vị lãnh đạo này cho biết, do nhà máy sản xuất của công ty chủ yếu ở miền Nam, hàng hóa lại tiêu thụ ở miền Bắc nên chi phí vận chuyển khá lớn. "Giá thành tăng lên nhưng cuối năm thế này, giá bán của doanh nghiệp chưa tăng kịp, chắc chắn sẽ hảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nhập", đại diện này cho biết.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nhận định với việc sức mua thấp, doanh nghiệp khó khăn chỉ trông đợi vào dịp cuối năm thì việc tăng giá xăng dầu vô hình chung gây ảnh hưởng rất lớn vì đây là nguyên liệu đầu vào của hầu hết các doanh nghiệp.
Trong thời điểm nhạy cảm này rất cần sự chia sẻ của doanh nghiệp xăng dầu cũng như các biện pháp quản lý hữu hiệu của Nhà nước như sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn giá, ông Long nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia từng làm Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh còn chia sẻ: "Điều tôi lấy làm ngạc nhiên là hầu như trước mỗi chỉ thị, tuyên bố không tăng giá thì giá cả lại tăng. Việc tăng giá thời điểm này rất bất lợi".
Không chỉ lo cho doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng e ngại việc giá xăng tăng vào dịp sát Tết sẽ ảnh hưởng nhiều tới người dân. "Cả năm đã khó khăn lắm rồi, đến cuối năm, người lao động muốn đi về nhà thì giá cước phí xe khách lại tăng lên. Rồi mớ rau quả trứng cũng đắt hơn", ông lý giải.
Phương Linh - Thanh Lan
Nguồn Vnexpress.net