Chủ Nhật | 02/11/2014 07:50

Giá càphê arabica tăng mạnh nhưng tiêu thụ càphê vẫn cao

Thời tiết khô hạn ở Brazil - nước xuất khẩu càphê arabica lớn nhất thế giới - đang làm dấy lên mối quan ngại về mùa vụ càphê năm nay, dẫn tới nguy cơ thiếu cung trên toàn cầu và đẩy giá loại càphê này trên thị trường thế giới tăng vọt.

Một tách càphê sáng sẽ trở nên đắt đỏ hơn khi các công ty càphê tăng mạnh giá bán.

Dẫu điều này có xảy ra, thì thói quen bắt đầu ngày mới bằng một ly càphê trong khi số người uống càphê ngày một tăng sẽ giúp cho nhu cầu càphê tiếp tục vững trong thời gian tới.

Giá càphê tăng cao và đà đi lên chưa dừng

Từ đầu năm tới nay, giá càphê arabica (còn gọi là càphê chè, loại càphê có hương vị dịu hơn so với càphê robusta và thường được dùng để chế biến các loại càphê cho người sành càphê) đã tăng gần gấp đôi trong bối cảnh thời tiết khô hạn, lượng mưa ít đã khiến cho sản lượng càphê của nước trồng càphê lớn nhất thế giới Brazil giảm mạnh, đồng thời làm dấy lên mối quan ngại về sản lượng mùa vụ tới.

Mối lo ngại này đã đẩy giá càphê arabica giao tháng 12 tới trên thị trường Mỹ hôm 6/10 vừa qua lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2012 là 2,208 USD/pound (1 pound = 0,454kg).

Harish Sundaresh, nhà chiến lược hàng hóa thuộc công ty tư vấn đầu tư Loomis, Sayles & Co., có trụ sở Boston (Mỹ) nhận định rằng thị trường càphê kỳ hạn sẽ tiếp tục được lợi từ sự lên giá mạnh của càphê.

Giới đầu tư và giao dịch dự báo thời tiết khô hạn ở Brazil sẽ giữ giá càphê ở mức cao trong nhiều năm tới. Chuyên gia Sundaresh ước đoán giá càphê arabica sẽ giao dịch ở mức 2-3 USD/pound trong năm 2015.

Người tiêu dùng đã phần nào cảm nhận được sự tăng giá của càphê trong mùa Hè qua khi một loạt công ty càphê lớn như StarbucksCorp. và J.M. Smucker Co. tăng giá bán càphê thành phẩm.

Hồi tháng Sáu vừa qua, J.M. Smucker đã trở thành công ty càphê lớn đầu tiên của Mỹ tăng giá bán càphê lần đầu tiên trong ba năm qua, với việc tăng trung bình 9% giá bán càphê. Ngay sau đó, Kraft Foods Group Inc. và Starbucks cũng theo chân J.M. Smucker và bắt đầu tăng giá bán.

Tuy nhiên, một số nhà giao dịch cho rằng việc các công ty càphê có phần chững lại trong các quyết định thu mua càphê trên thị trường với mức giá cao như hiện nay có thể hạn chế đà tăng giá của nông sản này. Trong khi đó, nhiều công ty càphê tránh việc tăng giá bán càphê thành phẩm bằng cách chuyển sang sử dụng nguyên liệu đầu vào là loại càphê rẻ hơn.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng càphê arabica là loại càphê duy nhất sẽ tăng giá trong thời gian tới. Lý do chủ yếu dẫn tới sự tăng giá này là vụ thu hoạch càphê niên vụ vừa qua vừa kết thúc tại Brazil cho kết quả yếu kém nhất trong ba năm qua. Mưa rơi không đúng thời điểm, không thuận lợi cho việc trồng càphê, đã khiến nhiều cây càphê hoặc bị rụng hoa hoặc không thể nở hoa để đậu thành quả càphê.

Chỉ một nhân tố Brazil dường như đã có thể xoay chuyển bức tranh thị trường càphê arabica của thế giới. Bởi Brazil hiện chi phối tới 35% sản lượng càphê của thế giới và khoảng 50% sản lượng càphê arabica trên toàn cầu. Về mức độ ảnh hưởng của Brazil trên thị trường càphê thế giới, có thể tạm hình dung rằng Saudi Arabia quan trọng với thị trường dầu mỏ chừng nào thì Brazil cũng quan trọng chừng ấy đối với thị trường càphê. Do vậy, nếu vụ mùa ở Brazil thất bát, thị trường thế giới không khỏi không lo ngại.

Càphê là một trong những nông sản phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và khí hậu. Thời tiết năm nay quả thực gây bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây càphê ở Brazil. Những khu vực trồng càphê bị ảnh hưởng nhiều nhất là Cerrado, Mogiana và Sul Minas.

Hội đồng càphê quốc gia Brazil cho rằng việc lượng mưa rơi không đáng kể trong tháng Chín vừa qua sẽ dẫn tới tình hình đáng lo ngại trong năm 2015 với sản lượng càphê sụt giảm đáng kể. Tình hình nghiêm trọng hơn khi 2015 là năm mất mùa hay năm có sản lượng thấp theo chu kỳ trồng càphê hai năm của Brazil. Theo chu kỳ đó, chưa kể yếu tố thời tiết bất thường thì sản lượng càphê của nước này cũng sẽ ở mức thấp. Khi nguồn cung giảm, không đáp ứng được nhu cầu, thì giá cả không tránh khỏi tăng lên.

Giới phân tích dự báo nếu thời tiết khô hạn ở Brazil kéo dài, xuất khẩu càphê của nước này sẽ giảm xuống dưới 40 triệu bao trong năm 2015 và nếu điều này xảy ra, giá càphê arabica có thể tăng vọt lên mức 3 USD/pound.

Thiếu cung càphê toàn cầu, tiêu thụ vẫn gia tăng

Tổ chức càphê Quốc tế (ICO) ngay từ hồi tháng Bảy đã cảnh báo rằng sản lượng càphê toàn cầu sẽ không đáp ứng được nhu cầu càphê toàn cầu trong niên vụ 2014-15 bắt đầu từ ngày 1/10 vừa qua, dẫn tới tình trạng thiếu cung càphê lớn nhất từ năm 2006.

Theo dự báo mới nhất của ICO, sản lượng càphê thế giới vẫn dậm chân ở mức 145,2 triệu bao (bao loại 60kg) trong niên vụ 2013-14, không thay đổi là bao so với 145,3 triệu bao niên vụ trước đó. Theo đó, cầu vượt cung, bởi lượng cầu vào khoảng 145,8 triệu bao.

Volcafe, công ty thành viên của tập đoàn ED & F Man Holdings Ltd có trụ sở tại Winterthur (Thụy Sĩ), ước tính sản lượng càphê arabica trên toàn cầu sẽ chỉ đạt 75,3 triệu bao trong niên vụ 2014/2015, giảm so với 86,1 triệu bao trong niên vụ trước.

Là nước sản xuất càphê lớn nhất thế giới, Brazil thu hoạch khoảng 44,57 triệu bao trong năm nay, giảm 9,3 triệu bao so với năm 2013.

Sản lượng càphê của Indonesia, nước sản xuất càphê robousta lớn thứ ba thế giới, dự báo giảm 14% xuống 10 triệu bao trong năm nay. Trong khi đó, việc tái trồng càphê ồ ạt giúp cho sản lượng của Colombia sẽ tăng 25% lên 12 triệu bao trong năm nay.

Triển vọng vụ càphê của Colombia - nước xuất khẩu càphê arabica lớn thứ hai thế giới - cũng khá hứa hẹn. Sản lượng càphê của Việt Nam, nước trồng càphê robusta (càphê vối) hàng đầu thế giới dự báo cũng sẽ có một vụ thu hoạch kỷ lục trong niên vụ 2014-15. Tuy nhiên, sản lượng càphê của Ấn Độ, nước trồng càphê lớn thứ sáu thế giới, dự báo giảm khoảng 20% trong niên vụ 2014-15, do ảnh hưởng của mưa lớn và liên tục trong thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín vừa qua.

Trong khi đó, nhu cầu càphê toàn cầu tiếp đà tăng vững. Một trong những nước tiêu thụ càphê có mức tăng nhanh nhất hiện nay là Trung Quốc, với mức tăng tiêu thụ càphê hàng năm vào khoảng 13%. Trong khi đó, với thói quen của người dân thay đổi và càphê trở thành thức uống giải khát bình thường, thị trường Nhật Bản có mức tăng tiêu thụ càphê khá mạnh và hiện đứng thứ ba thế giới về tiêu thụ càphê sau Mỹ và Đức.

Giới phân tích cho rằng việc giá càphê tăng lên có thể sẽ không nhanh chóng làm giảm nhu cầu. Thom Blischok, nhà chiến lược bán lẻ thuộc công ty tư vấn Strategy&, cho rằng đối với người tiêu dùng Mỹ, giá tăng có lẽ cũng sẽ không thể khiến họ giảm uống càphê, trừ phi giá tăng tối thiểu 30%, bởi càphê được coi là một trong những thực phẩm thiết yếu của người Mỹ. Đối với họ, từ bỏ càphê là việc quá khó.

Trong khi đó, dù vẫn chưa thể sánh được với Mỹ và châu Âu, song tiêu thụ càphê ở châu Á cũng gia tăng nhanh chóng cùng với việc thu nhập tăng lên. Người tiêu dùng châu Á sẵn sàng chi nhiều tiền cho những loại càphê hiếm nhất. Chiều hướng này đang càng gây sức ép lên nguồn cung và đẩy giá cả đi lên.

Trong bối cảnh cung càphê thiếu hụt và giá tăng vọt, những người được lợi và có lẽ “mừng” nhất vẫn là giới đầu tư và đầu cơ nông sản này trên thị trường. Chẳng thế mà khi giá càphê arabica tăng lên mức cao kỷ lục trong gần 2 năm qua là 2,208 USD/pound trong tuần đầu tháng 10 vừa qua, giới đầu cơ đã đổ xô vào tranh thủ bán ra kiếm bộn tiền.

Trong bối cảnh thời tiết khô hạn làm Brazil mất một lượng lớn càphê, giới đầu cơ đã đẩy giá lên cao vì lo ngại thị trường sẽ càng ngày càng khan nguồn cung càphê arabica. Các nhà giao dịch cũng sẽ tiếp tục đẩy giá càphê trên thị trường lên mức cao hơn, cho dù tình hình tăng trưởng kinh tế ảm đạm tại nhiều khu vực trên thế giới.

Vietnam+