Giá cà phê trong nước vẫn quanh mốc 39 triệu đồng/tấn
Giá cà phê robusta tại London giao tại cảng FOB (TPHCM) giảm 10 USD so với hôm qua, giao dịch tại 1.905 USD/tấn, trừ lùi 70 USD so với giá tại sàn London.
Ngược lại, trên sàn ICE (New York), giá cà phê arabica có phiên tăng khá sau 3 phiên giảm liên tiếp. Hợp đồng giao tháng 12 tăng 1,25 cent, tương đương 0,8%, lên 154,7 cent/pound. Hợp đồng giao tháng 3 tăng 1,55 cent lên 159,75 cent/pound.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 10, nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra 171.000 việc làm, cao hơn so với dự đoán 125.000 của các chuyên gia khảo sát bởi Bloomberg. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 đứng ở 7,9%, tăng so với 7,8% trong tháng 9 do có nhiều người trở lại lực lượng lao động.
Trên sàn ICE, giá cà phê arabica có phiên điều chỉnh tăng sau 3 phiên giảm liên tiếp. Nhìn chung, giá cà phê arabica vẫn chịu áp lực giảm do nguồn cung ngày càng dồi dào. Tính trong tuần này, giá cà phê arabica giảm 1,9%, tuần giảm thứ 5 liên tiếp và là đợt giảm dài nhất kể từ tháng 10/2011.
Trong nước, giá cà phê tiếp tục chịu áp lực giảm theo giá thế giới, giao dịch quanh mốc 39 triệu đồng/tấn. Mức giá này chỉ đem lại lợi nhuận thấp cho nông dân, do đó bà con có tâm lý găm giữ hàng chờ giá lên.
Trong bối cảnh giá cà phê trong nước liên tục giảm, VOV dẫn lời ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết, mức giảm này không đáng lo ngại vì vẫn trong khung giá bình ổn của thị trường cà phê trong nước.
“Thường đầu vụ, giá cà phê giảm. Để đánh giá chung tình hình tổng thể thì giá cà phê vẫn giữ ở mức bình ổn, giá không thể xuống được vì hiện nay tiêu thụ nội địa ở các nước xuất khẩu tăng mà lượng tồn kho ở châu Âu hiện cũng giảm mạnh. Hiệp hội Cà phê ca cao đã khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vẫn giữ ở mức bình ổn từ 2.100 USD và lượng bán hàng như niên vụ cũ, không nên bán ra ồ ạt. Kể cả nông dân và doanh nghiệp sắp tới đây cố gắng để có nguồn vốn phù hợp và tự tạm trữ”, ông Vinh cho biết.