Giá cà phê Tây Nguyên tiếp tục giảm về 39,4 triệu đồng/tấn
Giá cà phê trong nước sáng nay giảm do giá cà phê trên các sàn giao dịch lớn trên thế giới phiên giao dịch vừa qua tiếp tục giảm.
Trên sàn Liffe tại London, giá cà phê robusta các kỳ hạn có phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, giá giao tháng 9 giảm 8USD, tương đương 0,43% xuống 1.865 USD/tấn. Giá giao tháng 11 giảm 11 USD, tương đương 0,59% xuống 1.858 USD/tấn. Các kỳ hạn khác giá giảm trên 0,7%.
Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, sau khi tăng mạnh trong 1 tháng, từ mức thấp nhất đầu tháng 6, từ 19/7 đến nay, giá cà phê robusta London liên tục giảm 8 trên tổng số 10 phiên giao dịch vừa qua.
Trên sàn ICE tại NewYork, giá cà phê arabica các kỳ hạn tiếp tục giảm phiên thứ 5. Cụ thể, giá giao tháng 9 giảm 2,53% xuống 113,6 cent/pound. Giá giao tháng 12 giảm 2,43% xuống 118,35 cent/pound. Các kỳ hạn khác giá giảm từ 2,2% trở lên.
Giá cà phê robusta phiên vừa qua tại London giảm do xuất khẩu cà phê từ Indonesia, nước sản xuất robusta lớn thứ ba thế giới tăng lên mức cao nhất trong 4 năm trong tháng 7 sau khi giá tăng và nông dân bán mạnh cà phê nhân trước lễ hội Hồi giáo Eid al-Fitr vào tuần tới.
Xuất khẩu từ các tỉnh miền nam Sumatra của Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra tăng 378% lên 55.709 tấn so với 11.648 tấn trong tháng 6, phòng thương mại và công nghiệp Lampung cho biết trong một tuyên bố ngày 1/8. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2009. Các tỉnh này chiếm khoảng 75% nguồn cung của Indonesia, sản xuất cả cà phê nhân và cà phê hòa tan.
Giá robusta nhìn chung tăng 6,5% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 5/2012.
Tuy nhiên, theo một khảo sát của Bloomberg công bố ngày 29 tháng 7, xuất khẩu cà phê từ Indonesia có thể sẽ giảm 19% xuống 6 triệu bao (360.000 tấn) trong năm nay do lượng mưa cao hơn bình thường. Đây sẽ là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia. Sản lượng đầu ra có thể có thể giảm xuống 9.580.000 bao từ 11.040.000, theo ước tính trung bình của 8 nhà xuất khẩu.
Giá cà phê arabica tiếp tục giảm phiên thứ 5 do lo ngại sản lượng dồi dào từ Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu arabica lớn nhất thế giới.
Nguồn Bloomberg/Dân Việt