Viết Nguyên Thứ Tư | 15/09/2021 13:30

F&B trước cánh cửa sinh tử

Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đứng trước một cuộc thay đổi có tính sống còn.

Mới đây, Công ty Cổng Vàng (Golden Gate) dự kiến chào bán riêng 700 tỉ đồng trái phiếu để mở rộng hoạt động với mục tiêu mở thêm 69 cửa hàng trong năm 2021. Đây là quyết định gây ngạc nhiên trong thời điểm dịch bệnh và các lệnh giãn cách làm tê liệt ngành F&B.

Cho đến nay, sau gần 4 tháng giãn cách theo nhiều mức độ khác nhau, nền kinh tế TP.HCM và các tỉnh đã bị thiệt hại nặng nề. Theo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), trong số 21.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, đến 70% công ty cho biết đã đóng cửa. Chính lãnh đạo TP.HCM cũng thừa nhận, không thể tiếp tục giãn cách nghiêm ngặt mãi. Trước mắt, TP.HCM đã cho phép các quán ăn được hoạt động trở lại từ 6-18H. Nhưng các cơ sở hoạt động theo “3 tại chỗ” và chỉ bán mang đi thông qua đặt hàng trực tuyến; giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận có ứng dụng công nghệ...

Đây được xem là những giải pháp có phần “mở cửa” nhưng chưa thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi như ông Mai Trường Giang, chủ chuỗi cửa hàng Otoke Chicken và Chewy Chewy phân tích, mô hình bán mang đi đều đang lỗ khi phải gánh quá nhiều chi phí. Vì vậy, nhiều chuỗi F&B như Starbucks, Highlands Coffee, Waynes Coffee, The Coffee House, Vua Cua... đã chọn giải pháp tiếp tục nghe ngóng.

 

Lãnh đạo chuỗi Phúc Long cho biết, chuỗi này chưa thể mở cửa ngay vì còn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, trên Fanpage chính thức, Phúc Long thông báo sẽ mở cửa nhiều cửa hàng trong thời gian tới. Đại diện Starbucks thì bày tỏ quan ngại trước quy định “3 tại chỗ” đối với nhân viên tại các cửa hàng. Starbucks vẫn đang chờ thêm hướng dẫn cụ thể mới có thể đánh giá khả năng sẵn sàng mở cửa. “Với điều kiện mở cửa còn nhiều hạn chế như hiện nay, ước tính chưa tới 10% đơn vị triển khai bán hàng mang đi”, ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions, đánh giá.

Đáng chú ý, theo khảo sát năm 2020 của Deloitte, 84% và 70% người tiêu dùng sẽ gia tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói trong trường hợp xuất hiện các làn sóng COVID-19. Dịch bệnh khiến những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm, khi ảnh hưởng dịch bệnh đang trở nên nghiêm trọng hơn và giãn cách xã hội quyết liệt hơn.
Đối với các doanh nghiệp F&B, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 như cơn lũ càn quét và sàng lọc không thương tiếc. Nhưng trong mắt ông Đào Thế Vinh, Tổng Giám đốc Golden Gate, “dịch bệnh lần này là dịp để Golden Gate chứng minh khả năng thích nghi sống sót trong một ngành dễ bị tổn thương”. 

Trước khi dịch bùng phát, TP.HCM và các tỉnh vẫn cho phép bán hàng mang đi, nhiều doanh nghiệp F&B vẫn xoay xở bằng nhiều hình thức. Đó là tự giao hàng (như Phúc Long), đa dạng hóa sản phẩm (The Coffee House với cà phê sữa đá hòa tan dạng gói, dạng lon...), hay Đậu Homemade chuyển sang bán sản phẩm trữ đông và sơ chế. Nhờ đó, các cơ sở vẫn duy trì được hoạt động và có doanh thu; và tất cả đều bán mang đi.

Mô hình này mang lại hy vọng cho doanh nghiệp F&B có thể tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh mới. Ngoài ra, F&B nằm trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nhiều năm nay luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. Dự báo, ngành này tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% trong giai đoạn 2020-2025.

 

Vì vậy, những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh như Golden Gate xuống tiền cho “canh bạc” hậu giãn cách để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, họ buộc phải có cuộc “cách mạng” lớn trong mô hình vận hành gắn liền với các nền tảng online, tiếp xúc không chạm hay mô hình bếp đám mây (cloud kitchen)... Sự thay đổi này đang diễn ra trên toàn thế giới mà dịch bệnh là chất xúc tác. Theo báo cáo của Statista, doanh thu giao thức ăn trực tuyến tại châu Á sẽ đạt 58,4 triệu USD trong năm nay và dự kiến tăng 10,5% trong 4 năm tới.

Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh hoành hành và các nhà hàng buộc phải đóng cửa hàng loạt, Golden Gate, doanh nghiệp đang quản lý chuỗi 400 cửa hàng trên khắp cả nước, vẫn âm thầm thâu tóm nhiều mặt bằng trống, có vị trí đẹp. Tuy nhiên, sau nhiều năm cự tuyệt dịch vụ giao hàng, Công ty vừa cho ra mắt nền tảng giao hàng G-Delivery và hợp tác cùng GrabFood, Now, Baemin. G-Delivery là hình thức giao các sản phẩm Ready to Eat, chế biến sẵn với combo nướng.

Khách hàng có thể mượn bếp nướng hay lẩu miễn phí khi đặt hàng ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó, Golden Gate còn ra mắt sản phẩm Ready to Cook mang thương hiệu Icook và phân phối rộng rãi tại các hệ thống siêu thị (Big C, VinMart), hay trên sàn thương mại điện tử (Tiki, VinID, ShopeeFood, GrabMart, Lazada). Đơn vị quản lý chuỗi Sumo BBQ, GoGi House, Vuvuzela... ghi nhận tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2021 với doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với một loạt thay đổi kể trên, Golden Gate đã tỏ ra sẵn sàng chuyển đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới.  Lãnh đạo của Golden Gate kỳ vọng riêng doanh thu mảng sản phẩm Ready to Cook của Icook sẽ đạt 3.000 tỉ đồng trong 5 năm tới. 

Sự thay đổi từ các doanh nghiệp có quy mô lớn như Golden Gate sẽ tạo ra hiệu ứng cho toàn ngành F&B. Trải nghiệm ẩm thực tại nhà hàng vẫn với không gian, âm nhạc, dịch vụ... có thể sẽ không còn là ưu tiên số một, thay vào đó là sự an toàn và tiện lợi của thực khách.