FAO: Năm 2050 cần tăng 70% sản lượng lương thực toàn cầu mới đủ đáp ứng nhu cầu
Cũng theo FAO, chi tiêu cho lương thực năm nay dự báo sẽ ổn định do giá đường và dầu ăn rẻ hơn bù đắp cho sự tăng giá của sữa, cá, thịt. Các nước sẽ chi khoảng 1,094 nghìn tỷ USD cho lương thực trong năm nay, năm ngoái khoản chi này là 1,092 nghìn tỷ USD. Chi phí nhập khẩu lương thực tăng cao kỷ lục là năm 2011 với giá trị 1,26 nghìn tỷ USD.
Ngân hàng thế giới (WB) cũng mới đánh giá trong những năm tới dân số tiếp tục gia tăng làm tăng nhu cầu tiêu thụ lương thực cộng với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp hạn chế khả năng sản xuất. Do đó, vấn đề lương thực sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Marc Sadler, trưởng bộ phận dịch vụ nông nghiệp và môi trường của WB cho biết: "Dù chúng ta có vụ mùa bội thu, chúng ta vẫn không ngừng gia tăng tiêu thụ và khả năng dự trữ gặp nhiều thách thức. Nhu cầu tiêu thụ tiếp tục gia tăng dẫn đầu là các thị trường mới nổi". Ông đồng thời nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu tăng năng suất trong điều kiện môi trường linh hoạt.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng mới có báo cáo mới nhất về vấn đề an ninh lương thực, số người không được đáp ứng đủ lương thực, tức là tiêu thụ dưới 2.100 calo/ngày tại 76 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng lên 23% năm 2023 lên 868 triệu người. Trong 26 quốc gia chọn ra để nghiên cứu có hơn 40% dân số đối mặt với nạn đói, tập trung chủ yếu ở châu Phi hạ Sahara.
Nguồn Dân Việt/Bloomberg