FAO: Giá lương thực thực phẩm thế giới giảm nhẹ trong tháng 10
Tính trung bình trong 10 tháng đầu năm, chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO giảm 8% so với cùng kỳ năm 2011.
Chỉ số giá lương thực thực phẩm suy yếu trong tháng 10 chủ yếu do giá ngũ cốc, dầu ăn và chất béo giảm mạnh hơn so với mức tăng giá sữa và đường. Trong tháng 9, chỉ số này tăng 1,4%.
Giá lương thực thế giới và sức mua giảm có thể khiến giá trị nhập khẩu ngũ cốc toàn cầu năm nay chỉ đạt 1,14 nghìn tỷ USD, giảm 10% so với năm 2011.
Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO là chỉ số đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của 55 loại lương thực thực phẩm trên thế giới, được tính bằng trung bình của 5 chỉ số chính bao gồm ngũ cốc, dầu ăn/chất béo, các loại thịt, đường và sữa.
Biến động chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO năm 2012 (đường màu trắng) |
Trái với sản lượng ngô và lúa mỳ, sản lượng gạo toàn cầu được FAO dự báo sẽ vượt năm ngoái để lập kỷ lục mới. Nhu cầu nhập khẩu gạo ổn định trong khi nguồn cung xuất khẩu dồi dào sẽ giúp thương mại gạo thế giới tăng trưởng bền vững trong năm 2012.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO hiện vẫn cao hơn 12% so với tháng 10 năm ngoái, nhưng giảm 1,2% so với tháng trước do giá ngô và lúa mỳ giảm.
Chỉ số giá đường của FAO đạt trung bình 288 điểm trong tháng 10, tăng 1,6% so với tháng 9, tuy nhiên giảm 20,2% so với tháng 10 năm ngoái. Sản lượng đường toàn cầu năm nay dự báo cũng chạm mốc kỷ lục mới và tiếp tục thặng dư so với nhu cầu.
Chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 174 điểm, không đổi so với tháng 9. Đối với mặt hàng thịt, thị trường thịt thế giới đang đối mặt với thách thức chi phí chăn nuôi tăng trong khi nhu cầu chững lại. Tăng trưởng sản lượng thịt trong năm 2012 được dự báo thấp hơn 2%.
Chỉ số giá sữa của FAO đạt 194 điểm trong tháng 10, tăng 3% so với tháng 9. Giá sữa tăng do đang rơi vào thời điểm nguồn cung thắt chặt trong năm, số lượng gia súc giảm, trong khi nhu cầu thế giới khá vững.
Nguồn FAO/Khampha