FAO: Chỉ số giá lương thực tháng 8 giảm 1,9%
Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO là chỉ số đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của 55 loại lương thực thực phẩm trên thế giới, được tính bằng trung bình của 5 chỉ số chính bao gồm ngũ cốc, dầu ăn/chất béo, các loại thịt, đường và sữa.
Chỉ số giá lương thực của FAO năm 2013 (đường màu đỏ) |
Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc giảm mạnh nhất 7,2% so với tháng 7 và giảm 19% so với cùng kỳ 2012 xuống 210,9 điểm. Giá ngũ cốc giảm theo đà giảm của tháng 7 với kỳ vọng sản lượng toàn cầu cao trong năm nay và đặc biệt sự phục hồi từ các nguồn cung cấp ngô. Trong khi giá lúa mỳ và gạo giảm 2 đến 3% thì giá ngô giảm tới 14%. Cuối tháng 8 giá ngô tăng nhẹ trở lại do lo ngại thời tiết khô nóng ở các khu vực trồng ngô chính tại Mỹ.
Chỉ số giá dầu/chất béo giảm 3% so với tháng 7 xuống 185,5 điểm, ghi nhận 3 tháng giảm liên tiếp. Giá dầu cọ giảm mạnh nhất do lượng dự trữ lớn khu vực Đông Nam Á. Dầu đậu nành lần đầu tiên giảm do khả năng xuất khẩu lớn của Argentina và triển vọng mùa vụ tốt năm 2013/2014.
Chỉ số giá sữa tháng 8 là 239,1 điểm tăng 1,2% so với tháng 7 và cao hơn tới 37% so với tháng 8 năm ngoái. Giá sữa tăng trong tháng qua do nguồn cung xuất khẩu hạn chế tại các nước sản xuất giao dịch lớn. Sản lượng sữa cũng giảm theo mùa tại khu vực Bắc bán cầu và thời vụ sản xuất khu vực châu Đại Dương và Nam Mỹ cũng chỉ vừa mới bắt đầu, chưa có dự báo chắc chắn cho nguồn cung sữa từ nay đến cuối năm. Điều này hỗ trợ giá sữa trong khi các nhà nhập khẩu đang tìm nguồn hàng cho những tháng tới.
Chỉ số giá thịt tăng 2,2% trong tháng 8 lên 175 điểm. Giá thịt lợn tăng mạnh nhất tới 4,5% do sự thay đổi khẩu phần ăn của người tiêu thụ. Giá gia cầm giảm 1,3%, tháng thứ 4 liên tiếp một phần do chi phí thức ăn chăn nuôi thấp.
Chỉ số giá đường cũng tăng 1,1% lên 241,7 điểm. Sự phục hồi giá đường sau 3 tháng giảm liên tiếp lần này chủ yếu do Brazil sử dụng nhiều đường hơn cho sản xuất ethanol. Giá đường biến động khá mạnh trong tháng 8 trong lúc chưa có số liệu chắc chắn về lượng dư thừa đường tại các nước sản xuất chính năm nay.
Nguồn Dân Việt/FAO