WWF
EU là thị trường tiềm năng cho ngành dệt may Việt Nam
“100% hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế xuống 0% muộn nhất vào năm 2027”, bà Lãnh Huyền Như, Quản lý Dự án Thẩm định Chuỗi cung ứng của Phòng Công nghiệp và Thương mại CHLB Đức (AHK) cho biết. Và đây là một trong những điều hấp dẫn của thị trường Liên minh Châu Âu (EU), vốn là một trong bốn thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để mở rộng. Chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu dệt may của thế giới, quy mô nhập khẩu hàng dệt may EU hơn 210 tỉ USD trong năm 2022 và có tốc độ tăng nhập khẩu bình quân 3% mỗi năm.
Trong khi cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh, bà Lãnh Huyền Như quan ngại khía cạnh bảo vệ lao động và trách nhiệm xã hội (chuyển dịch công bằng) trong EVFTA vẫn chưa được định hướng rõ ràng và cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam so với khía cạnh bảo vệ môi trường. Điều này có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trước tác động của thẩm định chuyên sâu tại thị trường EU.
Nguồn: Hải quan Việt Nam |
Hiện nay, xuất khẩu vào EU chiếm 9% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đây là một thị trường khó tính khi ban hành và thực thi những quy định khắt khe về môi trường và trách nhiệm xã hội. Điển hình như quy định Trách nhiệm Nhà sản xuất Mở rộng (EPR) sẽ áp dụng cho ngành đệt may từ năm 2025, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI-HCM.
Trong bối cảnh này, “xanh hoá” ngành dệt may là điều kiện tiên quyết để có thể mở rộng vào những thị trường khắt khe như EU là ý kiến chung được chia sẻ tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Dệt May trên lộ trình Tăng trưởng Xanh" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Khu vực Tp. HCM (VCCI-HCM) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Global PR Hub tổ chức vào đầu tháng 12/2023.
Tại hội thảo, nhiều thách thức trong chuyển đổi xanh của ngành dệt may Việt Nam được đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) và Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, hiện nay Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh, nhiều quy định (chứng chỉ LEED, Thẩm định Chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc) và yêu cầu phức tạp về thiết kế sinh thái khiến nhiều doanh nghiệp còn chần chừ khi thực hiện chuyển đổi.
Nguồn: VITAS |
Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới cũng đang ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp xanh hoặc yêu cầu các nhà cung cấp áp dụng các biện pháp thực hành xanh. Năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời (PV) được xem là một trong những giải pháp lâu dài cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất dệt may xanh, bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 80% trong số hơn 7.000 doanh nghiệp dệt may có quy mô vừa và nhỏ. Trong lúc các doanh nghiệp lớn hầu như đã lên chiến lược để xanh hoá, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần phải hoạch định lộ trình. “Doanh nghiệp không có lựa chọn, phải đi theo con đường xanh hoá”, bà Mai thẳng thắn. Bà cũng lưu ý thuế suất ưu đãi mà các FTA mang đến sẽ không tự nhiên giảm về 0% mà cần tuân thủ quy tắc xuất xứ.