El Nino 2015: SOS cho nông nghiệp!
Cuối tháng 5 vừa qua, nông dân Nguyễn Văn Việt nhận ra giếng nhà ông đã cạn khô suốt nhiều tháng liền. Trải qua 20 năm trồng cà phê ở Đắk Lắk, đây là lần đầu tiên ông Việt chứng kiến tình trạng khô hạn đến vậy. “Nó thật khốc liệt. Nhiều người thậm chí thiếu nước để uống”, ông Việt trả lời trên báo Guardian (Anh). Từ đầu năm tới nay, nông trại cà phê rộng 2 ha của ông đã bị mất đến 20% diện tích do tình trạng hạn hán kéo dài và mùa mưa đến trễ.
Bên kia biển Đông, nông dân Juanito Masangkay ở đảo Mindanao của Philippines cũng đang phải đối phó với El Niño theo cách riêng của ông. Để nuôi sống gia đình 9 người, cứ đến tối, người đàn ông này lại cầm đèn pin và cung tên ra đồng để săn bắt chuột 6 giờ liên tục. Mỗi con chuột mà Juanito bắt được đều được lấy hết thịt đem nướng hoặc hầm, còn đuôi chuột thì được giữ lại phơi khô. Sau đó, Juanito mang số đuôi chuột này nộp cho chính quyền địa phương để nhận lại phần thưởng là gạo. Cứ 10 đuôi chuột, ông được thưởng 1 kg gạo. Trước nạn hạn hán kéo dài ở Philippines, đây là cách mà nhiều địa phương nước này lựa chọn để giúp cho nông dân vừa có thịt, vừa có gạo ăn.
Lẽ dĩ nhiên, số gạo cứu đói này không phải từ trên trời rơi xuống. Philippines sẽ phải nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong tháng 7 này để tăng cường gạo trong kho. Trước đó, quốc gia này đã phát đi thông điệp rằng họ sẽ nhập khẩu gạo nhiều hơn nếu hiệu ứng El Niño mạnh hơn.
Khi mẹ thiên nhiên nổi giận
Việt Nam đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Thái Lan và Ấn Độ về xuất khẩu gạo nên có lẽ không cần phải nhập khẩu gạo. Nhưng câu chuyện El Niño vẫn không nằm ngoài xứ nhiệt đới như Việt Nam.
Dù đã bước sang tháng 7, thời điểm đáng lẽ ra đất đai phải được tắm mát bởi những đợt mưa sảng khoái thì ở Bắc và Trung bộ, những “chảo lửa” nhiệt đới với nắng hanh khô vẫn hoành hành xấp xỉ 40 độ C. Những con nắng hung hãn bao trùm lên suốt 28 ngày trong tháng 5 vừa qua.
Nắng kéo theo hạn. Ở khu vực Nam Trung Bộ, hạn hán khốc liệt đến mức lần đầu tiên Ninh Thuận phải ban bố tình trạng thiên tai trên toàn tỉnh. Suốt 6 tháng liền, vùng đất này không có mưa hoặc mưa rất ít. Một trận mưa vàng mang hy vọng mong manh đã trút xuống trong ngày 16.6 ở đây dù chỉ là trận mưa vừa, không đáng kể.
Hạn hán khốc liệt đến mức lần đầu tiên Ninh Thuận phải ban bố tình trạng thiên tai trên toàn tỉnh - Ảnh: laodong.com.vn |
Những báo cáo từ giới chuyên gia của Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu cho thấy, El Niño với cường độ yếu đã xuất hiện từ tháng 9.2014, sau đó tăng liên tục từ tháng 3.2015 và hiện đã đạt ngưỡng El Niño mạnh. Hầu hết các mô hình dự báo khí hậu trên thế giới cũng đều chung nhận định, hiện tượng El Niño sẽ tiếp tục duy trì đến mùa đông 2015-2016.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng - Khí hậu, thuộc Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, tỏ ra quan ngại khi nhiều khả năng lượng mưa năm nay sẽ rất ít, mực nước và dòng sông xuống thấp, tình trạng khô hạn kéo dài, ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu.
Sự nổi giận của mẹ thiên nhiên El Niño đã làm khô cằn, rạn nứt các sông suối, ao hồ và các công trình thủy lợi ở Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên. El Niño cũng khiến hàng triệu hecta đất ở cửa sông Nam Bộ bị xâm nhập mặn, lấn sâu vào trong đất liền từ 40-60 km. Tình trạng khô hạn với nhiệt độ cao hơn mức trung bình từ 0,5-1 độ C sẽ vẫn kéo dài trên diện rộng cho tới tháng 10.2015, theo đánh giá của các chuyên gia.
Không thể phủ nhận, El Niño không chỉ làm biến đổi khí hậu một cách cực đoan mà còn tác động nghiêm trọng đến mùa màng. Lịch sử 17 năm trước (1997-1998) đã ghi nhận sự tổn thất nặng nề cho thế giới, hơn 34 tỉ USD khi hạn hán và bão lũ dữ dội dưới tác động của El Niño quét qua. Trong vòng xoáy đó, Việt Nam cũng bị thiệt hại hơn 5.000 tỉ đồng.
Và rồi El Niño năm nay sẽ có thể sẽ phá vỡ các kỷ lục, đưa vào sách đỏ năm nóng nhất trong lịch sử thế giới. Triều Tiên vừa trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 100 năm, làm 30% diện tích lúa của quốc gia này bị khô hạn. Riêng Việt Nam đứng trước lo âu thực sự khi El Niño đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho nền nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết 6 tháng đầu năm 2015, đã có khoảng 50.000 ha đất canh tác ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Quảng Trị không thể gieo trồng do ảnh hưởng của nắng nóng và hạn hán kéo dài. Viện Lúa gạo Quốc tế (IRRI, Philippines) từng khuyến cáo rằng cứ nhiệt độ tối thiểu tăng thêm 1 độ C trong mùa trồng, năng suất lúa sẽ giảm 10%. Và cơn ác mộng đó đang ngày càng trở thành hiện thực.
Rồi thì đến Tây Nguyên, sự khô hạn cao điểm đã làm hàng trăm ngàn hecta cà phê chết cháy, thiệt hại nặng nề nhất là Đắk Lắk (61.000 ha), Lâm Đồng (60.000 ha), Đắk Nông (17.000 ha) vốn được mệnh danh là các vùng “đất thánh cà phê của Việt Nam”. Sự điêu tàn khiến Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cảnh báo, sản lượng cà phê trong mùa vụ tới (2015-2016) sẽ giảm mạnh. Trước mắt, trong năm 2015, dự báo sản lượng cà phê sẽ giảm 20-25%.
El Niño đã khiến cho ngành trồng trọt Việt Nam gần như không tăng trưởng trong nửa đầu năm 2015. Điều này trùng với số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho giai đoạn 1960-2013. Theo đó, trong những năm có El Niño mạnh, sản lượng lúa gạo khu vực Đông Nam Á không tăng.
Ảnh hưởng của El Nino lên sản lượng lương thực toàn cầu |
Lo ngại hơn, dưới tác động của El Niño, đất trồng trọt Việt Nam vốn đã bị chia năm xẻ bảy lại càng manh mún hơn. Mỗi hộ dân hiện sở hữu chưa tới 0,5 ha và diện tích này ngày càng bị thu hẹp bởi thiên tai, con người. Với đặc điểm 56% rừng dễ bị cháy, năm nào Việt Nam cũng bị mất cả ngàn hecta vì cháy rừng. Không những thế, khô hạn đã làm 9 triệu ha đất bị hoang hóa, chiếm 28% diện tích đất đai cả nước. Việt Nam cũng ghi nhận gần 450.000 ha đất bị sa mạc hóa. Riêng Tây Nguyên còn đối diện với tình trạng 25% diện tích cà phê nơi đây đã già cỗi.
Hệ lụy của bàn tay thiên nhiên tàn nhẫn đã khiến con người rơi vào những cách xử trí mang tính đường cùng. Phá rừng để lấy đất trồng trọt chính là một trong số đó. Năm 2014, đã có 871 ha rừng bị phá. Con số này ở nửa đầu năm 2015 là gần 290 ha. Trong đó, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng luôn trong nhóm địa phương có nạn chặt phá rừng nhiều nhất.
Những cánh rừng đã chảy máu, những giếng khoan nham nhở đã đào trong suốt mùa hạn hán để con người chống chọi với thiên nhiên càng khiến cho hệ lụy nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng mạnh.
Bộ Tài nguyên Môi trường đã phải cảnh báo nóng rằng, tầng nước ngầm nhiều nơi khu vực Tây Nguyên đã giảm từ 3-5 m, tính ra trong chưa đầy 10 năm, nước ngầm nơi đây đã sụt giảm 1/3. Các chuyên gia lưu ý, một số vùng bazan hình thành 2-3 tầng nước nên khi nông dân khoan giếng không hợp lý sẽ dẫn đến hiện tượng nước từ tầng trên chảy xuống tầng dưới, làm suy kiệt nước ở tầng trên.
Nước ngầm là nguồn nước chính cho trồng trọt của Việt Nam, phục vụ gần 60% nhu cầu tưới tiêu. Riêng cây cà phê, 95% nước tưới là từ nước ngầm. Trong điều kiện nắng hạn mưa ít, nguồn nước ngầm gắn với sự phát triển sống còn của ngành nông nghiệp, nhưng lại đang suy giảm, đặt nông nghiệp vào thế rủi ro cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Ảnh hưởng của El Nino lên giá cả một số nông sản quan trọng |
Cần lắm một chiếc phao
Ngành trồng trọt Việt Nam đang chống chọi với El Niño trong bối cảnh thiếu trợ lực từ các tổ chức đầu tư. Nguyên nhân là các công ty gặp khó trong tìm kiếm quỹ đất tập trung. Theo ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), trong tổng số 42.500 ha cao su của HAGL, chỉ có 15% trồng ở Gia Lai, còn lại trồng trên đất Lào và Campuchia. Tương tự, năm 2007 Công ty Tín Nghĩa muốn tự phát triển vùng nguyên liệu cà phê nhưng vì Tây Nguyên hết đất nên đã sang Lào trồng 700 ha cà phê. Đất đai ở Lào được lãnh đạo Tín Nghĩa cho biết là rất thích hợp để trồng cà phê Arabica - giống cà phê chè cho chất lượng cao. Dự kiến thời gian tới, Tín Nghĩa sẽ trồng 3.000 ha cà phê ở Lào.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều nông dân cũng tìm đường sang Campuchia. Một nghiên cứu được Đại học Cornell (Mỹ) công bố hồi tháng 5 cho thấy ở Campuchia, nông dân dễ dàng tìm thuê hàng chục hecta đất để nuôi tôm hoặc trồng lúa và hoa màu với giá rẻ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so với thuê đất ở Việt Nam.
Xu hướng “xuất ngoại làm nông” này đã mở ra nhiều vấn đề vượt ra ngoài câu chuyện biến đổi thời tiết. Cùng đó, sự suy giảm về tài nguyên đất, nước đặt trong bối cảnh Việt Nam sẽ còn chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu càng đe dọa nghiêm trọng đến tính bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc (UNDP) từng cảnh báo, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 2 của thế giới sau Ấn Độ bị mất nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp do biến đổi khí hậu. Nếu Việt Nam không hành động kịp thời, chậm nhất đến năm 2100, khi mực nước biển tăng 1 m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp nguy khi 90% diện tích đất nông nghiệp chìm trong nước biển, kéo theo hậu quả làm mất 12-15 triệu tấn gạo/năm.
Còn rất xa để nghĩ tới cột mốc năm 2100, nhưng trước mắt, Việt Nam đang hứng chịu thiên tai gia tăng qua từng năm và nông dân là người “lãnh đủ”. Trong khi đó, giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu sự kết hợp để tạo sức mạnh và lợi thế. Những mô hình như Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS) kết hợp với Viện trưởng Viện Khoa Học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để tái canh diện tích cà phê hay Nestlé cùng WASI xây dựng dự án hỗ trợ giống cà phê tốt cho nông dân... là chưa phổ biến.
Trên thực tế, sau 5 năm mô hình cánh đồng lớn - một hình thức hợp tác sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng nhất về chất lượng, cho năng suất lúa cao - mới chỉ mới chiếm 1/5 diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, tức khoảng 300.000 ha. Đây là con số quá khiêm tốn so với tổng diện tích gieo trồng hơn 4 triệu ha.
Đối với vấn đề tái canh diện tích cà phê, Sở Nông nghiệp Đắk Lắk ước tính, cần chi ra khoảng 150 triệu đồng/ha và chờ đợi 5-6 năm mới có lại nguồn thu nhập. Bởi thế, việc tái canh thường chỉ triển khai trong doanh nghiệp, còn với hộ dân, tỉ lệ thành công chỉ khoảng 11%. Trường hợp nông dân muốn áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel như cách HAGL đang làm để tiết kiệm nước, ông Võ Trường Sơn cho biết, chi phí đầu tư từ 10-15 triệu đồng/ha. Đây là con số không nhỏ đối với nhiều nông dân.
Rõ ràng, nông dân Việt Nam rất cần các chương trình hỗ trợ toàn diện và quy mô lớn từ Nhà nước để giúp họ khắc phục hậu quả thiên tai, tái tạo tài nguyên. Một chương trình như Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững, do Ngân hàng Thế giới tài trợ 238 triệu USD (gần 5.200 tỉ đồng) là rất cần thiết. Khi triển khai, dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 200.000 hộ nông dân trồng lúa, 50.000 hộ trồng cà phê.
Tuy nhiên, ngay bây giờ, ông Bustanul Arifin, chuyên gia kinh tế nông nghiệp thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia, gợi ý rằng các nước chịu tác động bởi El Niño cần tăng cường hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, lập quỹ phục hồi khẩn cấp và các chính sách bảo hiểm vụ mùa để giảm nhẹ thiệt hại. Đây là giải pháp cần đến sự can thiệp của Chính phủ. Chẳng hạn, để xây một hồ thủy lợi có dung tích hàng trăm triệu mét khối tại Ninh Thuận, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết phải có sự chấp thuận của Nhà nước. Nhưng nếu chờ đợi quá lâu và không hành động gì, ông Ngãi cảnh báo với tình trạng hạn hán liên tục, Ninh Thuận hay một số tỉnh miền Trung trong 10 năm tới có thể không khác gì Israel, tức đất đai bị sa mạc hóa hoàn toàn.
Đối với đầu ra cho nông sản, giúp bài toán kinh tế của ngành nông nghiệp được khả quan hơn, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ về giống, giảm bớt tình trạng canh tác liên tục để bảo vệ đất và có cách quản lý xuất khẩu nông sản phù hợp hơn. Nếu chỉ xuất khẩu gạo cấp thấp như hiện tại, ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty tư nhân Cỏ May, khẳng định, gạo Việt Nam sẽ đi vào con đường chết. Người chết đầu tiên là nông dân bởi khi bán lúa quá thấp, thua lỗ triền miên, nông dân sẽ không còn vốn, không còn khả năng tái tạo đất, nước và cũng không còn động lực làm ruộng.
Ngọc Thủy - Tuấn Minh