Chủ Nhật | 07/09/2014 14:37

Doanh nghiệp Việt nên mạnh dạn đầu tư nhượng quyền thương mại

Đến nay, ý tưởng về nhượng quyền thương mại vẫn còn tương đối mới với phần lớn doanh nghiệp trong nước.
Nhượng quyền thương mại đang là phương thức kinh doanh hứa hẹn có chiều hướng phát triển, dần trở thành xu hướng trên toàn cầu. Đây là hình thức kinh doanh an toàn và mang lại nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp. Mặc dù Việt Nam được coi là thị trường tiềm năng với loại hình kinh doanh này, nhưng đến nay ý tưởng về nhượng quyền thương mại vẫn còn tương đối mới với phần lớn doanh nghiệp trong nước.

Đây là thực tế được rút ra sau triển lãm "Nhượng quyền thương mại và cơ hội kinh doanh Việt Nam 2014" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, do Công ty dịch vụ và thương mại VCCI phối hợp với Công ty Dịch vụ triển lãm BizLink, Singapore tổ chức.

Kinh doanh thương hiệu là cách làm an toàn, hiệu quả

Anh Phạm Duy Cường, Giám đốc Công ty Sản xuất và Dịch vụ Sen Việt rất đam mê những ý tưởng chuyển nhượng thương mại. Anh cho biết: Công ty của anh đang chú trọng tìm hiểu và đầu tư thương hiệu bánh mì tươi Subway của Mỹ để triển khai kinh doanh tại Hà Nội.

Theo anh Cường, tình hình kinh tế khó khăn, kinh doanh thương hiệu đã được coi là cách làm an toàn, hiệu quả. Mô hình này giúp doanh nghiệp không phải mất thêm thời gian để xây dựng thương hiệu, đào tạo nhân lực, kinh nghiệm, tìm kiếm nguyên liệu, chọn địa điểm… mà thông qua nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp sẽ tiếp quản tất cả các "dây chuyền" này. Quan trọng hơn, doanh nghiệp sẽ được tư vấn tài chính trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình.

Vì theo anh Cường, "ở Việt Nam mình muốn làm được thương hiệu tốt khó lắm, chúng ta phải học hỏi rất nhiều".

Hiện nay, hình thức nhượng quyền thương mại ở Việt Nam dù còn khá mới, nhưng tốc độ du nhập của loại hình này diễn ra rất mạnh. Các tập đoàn nước ngoài, đa số thuộc lĩnh vực thực phẩm đã và đang ồ ạt vào nước ta đầu tư, mở rộng kinh doanh thông qua nhượng quyền thương mại. Thành công nhất có thể kể đến là các tập đoàn thức ăn nhanh với thương hiệu Lotteria của Hàn Quốc, McDonald's, KFC, Pizza Hut của Mỹ.

Bên cạnh đó, hàng loạt các đại siêu thị đã được các nhà phân phối nước ngoài xây dựng ở Việt Nam như: Metro Cash & Carry tập đoàn của Đức, tập đoàn Parkson của Malaysia… và gần đây, nhiều doanh nghiệp Thái Lan cũng tìm đến thị trường Việt Nam thông qua nhượng quyền thương mại.

Điều đáng nói là nếu doanh nghiệp trong nước không mạnh dạn và có chiến lược kinh doanh cụ thể, sẽ khó có cơ hội hợp tác với những thương hiệu mạnh trên thế giới. Ông Sean Ngo, Tổng giám đốc Công ty Vietnam Franchise (công ty Nhượng quyền thương mại Việt Nam) cho rằng: Việt Nam tuy là thị trường có nhiều yếu tố tiềm năng như: thu nhập cao, nhu cầu tiêu dùng lớn, dân số tập trung đông ở thành thị…

Nhưng hiện nay, các hãng nhượng quyền thương mại lớn trên thế giới thường đang tập trung nhiều hơn vào những thị trường mới nổi, có đông dân số hơn như Trung Quốc, Ấn Độ. Hơn nữa, các doanh nghiệp có thương hiệu lớn thường chỉ tìm những đối tác thật sự có đam mê và gắn bó với thương hiệu nhượng quyền đến cùng.
Doanh nghiệp Việt đang tìm đến cách kinh doanh này

Từ đầu năm 2013 đến nay, đã có hơn 200 thương hiệu đăng ký kinh doanh nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, chỉ có khoảng 120 thương hiệu thật sự kinh doanh theo chuỗi và thành công. Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại thành phố Hồ Chí Minh rất tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ việc kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về thị trường, văn hóa của Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ về giá trị thương hiệu, sau đó mạnh dạn đầu tư.

Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Với dân số của Singapore là 5,3 triệu người mà họ có đến 500 thương hiệu nhượng quyền, thì với dân số hơn 90 triệu người của Việt Nam, việc nhượng quyền thương hiệu sẽ thành công nhiều hơn nữa. Xu hướng chung mà, các doanh nghiệp Việt Nam họ cũng đang tìm đến cách kinh doanh này. Trong tương lai, tôi tin loại hình chuyển nhượng thương mại sẽ phát triển và tăng lên nhiều hơn".

Việt Nam ra nhập WTO với những chính sách thông thoáng đã đưa nhiều thương hiệu trong nước ra thế giới như: Phở 24, món cuốn Wrap & Roll, hay cà phê Trung Nguyên…Tuy vậy, để việc giao thương trong và ngoài nước thuận tiện hơn, nhất là để hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ về pháp lý, tín dụng của Nhà nước thì trước tiên, doanh nghiệp Việt nên mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này, đưa hàng hoá chất lượng cao vào thị trường nội địa.

Nguồn VOV News


Sự kiện