Doanh nghiệp Việt không còn mặn mà với Campuchia?
Hôm 22/9, theo thông tin từ Phó Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) là ông Chea Vuthy, trong nửa đầu năm nay không có một dự án đầu tư đạt chuẩn (QIP) nào đến từ Việt Nam. Đây là lần đầu trong vòng 22 năm qua Campuchia gặp hiện tượng này.
Tuy nhiên, ông Vuthy cũng cho rằng điều này không phải đáng ngại, vì con số các dự án có thể biến động tùy thời điểm. Ông cũng giải thích rằng các dự án đầu tư nhỏ hay đầu tư ngành tài chính ngân hàng thì không phải xin tiêu chuẩn QIP. Vì thế, vẫn có thể có các khoản đầu tư khác từ Việt Nam đổ vào Campuchia.
Theo bà Hà Thị Thanh Bình, Tổng thư ký Hiệp hội nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia (AVIC), tổng vốn FDI của Việt Nam tại Campuchia là 2,85 tỷ USD cho 182 dự án. Cũng theo bà Bình, từ đầu năm 2016 tới nay đã có 4 doanh nghiệp Việt đăng ký dự án QIP tại Campuchia.
Tổng vốn FDI mà đất nước chùa tháp thu hút được trong năm ngoái là 4,64 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam là nguồn vốn FDI lớn thứ 4. Còn nếu xét về tổng vốn đã đầu tư vào Campuchia, Việt Nam đứng thứ 5, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, khối EU và Malaysia. Tới năm 2020, tổng vốn FDI từ Việt Nam được dự kiến sẽ đạt 6 tỷ USD.
Các dự án đáng chú ý của doanh nghiệp Việt tại Campuchia có thể kể tới nhà máy trị giá 23 triệu USD của Vinamilk tại Phnom Penh, các khu canh tác cao su lớn của Hoàng Anh Gia Lai, hay công ty viễn thông Metfone trực thuộc Viettel. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nguyên nhân gây sụt giảm đầu tư từ doanh nghiệp Việt là do tình trạng chưa khả quan của ngành nông nghiệp Campuchia. Ngoài ra, giá cao su đi xuống cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt thấy đây chưa phải là thời điểm thuận lợi.
Trước đây, chính phủ hai bên đã từng đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương là 5 tỷ USD trong năm 2015, nhưng kết quả là chỉ được 3,37 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia là 2,41 tỷ USD, nhập khẩu là 954 triệu USD.
Tuấn Minh