Doanh nghiệp gỗ tính chuyện quay lại thị trường nội địa
Tiềm năng của thị trường nội địa còn khá lớn
Trong tình hình sức mua của thị trường thế giới giảm 30%, một số doanh nghiệp đã quay về thị trường nội địa. Tuy nhiên, họ vẫn loay hoay do chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp, thiếu hệ thống phân phối và giá bán bất hợp lý.
Từ sản xuất theo dây chuyền hàng loạt, nay doanh nghiệp phải điều chỉnh để mỗi mẫu mã có thể chỉ vài chục bộ, thậm chí vài bộ, nhưng giá thành phải hợp lý. Cùng với đó, mẫu mã phải đa dạng hơn và thay đổi thường xuyên theo thị hiếu người tiêu dùng mới có thể cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập đang tràn lan.
Theo ông Lê Hồng Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty gỗ Đức Thành, vấn đề mà doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt khi phát triển ở thị trường nội địa là chọn phân khúc và xây dựng hệ thống phân phối, trong khi các doanh nghiệp chỉ quen với việc gia công theo thiết kế của đối tác nước ngoài, không phải lo điều tra thị trường, lo bán sản phẩm.
Còn ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, nhận định, thị trường trong nước tiềm năng nhưng phần lớn dân số tập trung ở nông thôn nên nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực mở rộng mạng lưới đại lý, cửa hàng.
Do vậy, việc xâm nhập và phát triển thị trường nội địa phải có kế hoạch dài hạn, doanh nghiệp phải biết đánh thức tiềm năng tiêu dùng của khách hàng. Chính sách hữu hiệu được các doanh nghiệp ứng dụng khi phát triển thị trường nội địa là “mưa dầm thấm lâu”, và điều cần nhất là việc mở rộng hệ thống phân phối.
Ngoài ra, quay về thị trường nội địa sẽ giúp doanh nghiệp gỗ đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường để hạn chế rủi ro, vì đơn hàng trong nước giá cao hơn hàng xuất khẩu.
Liên kết theo chuỗi cung ứng
Các chuyên gia đã chỉ ra 3 điểm yếu cơ bản của doanh nghiệp gỗ trong nước cần khắc phục nếu muốn giành lợi thế trên thị trường nội địa.
Thứ nhất, hiện cả nước có trên 3.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xét trên quy mô vốn đầu tư và mức độ sử dụng lao động nên khả năng làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất không cao. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp Việt Nam không thể đưa ra được những sản phẩm cao cấp để cạnh tranh với sản phẩm của các nước mà chấp nhận gia công cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, ngành gỗ đang phải nhập tới 80% nguyên liệu. Một sản phẩm gỗ hoàn chỉnh nhưng chỉ tính riêng chi phí đầu vào như chi phí về lãi suất ngân hàng, chi phí vận chuyển và nhất là chi phí cho nguyên liệu đầu vào đã khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên rất cao.
Thứ ba, xét về năng lực, doanh nghiệp gỗ còn gặp khó khăn trong khâu bán hàng bởi sản phẩm xuất khẩu đã tuân theo quy trình sản xuất chuẩn và kèm theo đó là chuẩn về giá, khâu thị trường đã có người khác quyết định. Nếu vào thị trường nội địa họ lúng túng trong đánh giá nhu cầu, thận trọng ở cả bộ phận thiết kế, đánh giá mẫu mã và khả năng thương mại. Một nhà sản xuất phải đầu tư cho thiết kế, nghiên cứu thị trường và cả kênh bán bán lẻ có thể bị quá sức.
Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến doanh nghiệp gỗ trong nước phải chấp nhận nhường phần lớn thị trường đồ gỗ nội địa với sức mua lên đến 3 tỷ USD/năm cho doanh nghiệp nước ngoài.
Và giải pháp khắc phục cho tình trạng trên là phải nhanh chóng liên kết theo chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu đến chế biến, thiết kế, phân phối sản phẩm gỗ.
Trước hết là cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu sẽ giúp tiết giảm chi phí đầu vào rất lớn. Bên cạnh đó, thay cho tư tưởng vừa sản xuất, thiết kế đến vừa bán hàng, là phát triển các doanh nghiệp chuyên về phân phối đồ gỗ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn đầu tư, thay đổi công nghệ, thiết bị.
Nguồn Chinhphu.vn