Doanh nghiệp dệt may chờ "phất cờ" trong CPTPP
→CTTPP: Áp lực cải cách và quyền sở hữu tư nhân
→CPTPP tiếp lửa tự do thương mại
Ngành dệt may sẽ tăng tốc
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn. "Năm 2017, ngành dệt may đã khá thành công khi đem về 31 tỷ USD (tăng trưởng 10,23%). Trong năm 2018, con số này được kỳ vọng sẽ tăng thêm 3 tỷ USD", ông Cẩm nói.
Trong năm 2017, tuy đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của xuất khẩu dệt may Việt Nam, đạt giá trị 12,58 tỷ USD và chiếm tỷ trọng hơn 48% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc Mỹ rời TPP tạo tiền đề cho CPTPP ra đời. Theo đó, cục diện thị trường xuất khẩu được dự báo sẽ có những chuyển dịch đáng kể, bởi doanh nghiệp Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới, mà không quá phụ thuộc vào một thị trường lớn như Mỹ.
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, ngành dệt may có động lực để tăng trưởng tốt hơn sau khi 11 nước thành viên CPTPP cùng đồng lòng ký kết Hiệp định.
Theo ông Trường, dù CPTPP không có Mỹ tham gia, nhưng vẫn có 2 thị trường lớn tiềm năng là Úc và Canada để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội. Đây là các thị trường sử dụng hàng dệt may lớn, với khoảng 10 tỷ USD một năm. Hiện thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào 2 thị trường này còn khá khiêm tốn, vào khoảng 500 triệu USD.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, trong bối cảnh hiên nay, các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày vẫn được lợi từ CPTPP.
"Việt Nam sẽ không chỉ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên trong CPTPP, mà còn có thể tiếp cận các quốc gia và vùng lãnh thổ đang mong muốn tham gia Hiệp định như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines", ông Hải phân tích và cho biết thêm, dự kiến lợi ích các bên tham gia CPTPP sẽ tăng gấp 3 lần trong năm 2018, tương đương khoảng 500 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp còn lo lắng?
Bên cạnh những doanh nghiệp thể hiện sự hào hứng với CPTPP, thì không ít doanh nghiệp vẫn tỏ ra e ngại với hiệp định này. Chia sẻ với Báo Nhịp cầu đầu tư, lãnh đạo một công ty may tại Sài Gòn cho biết, ông chưa tìm ra giải pháp đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của CPTPP. Theo vị lãnh đạo này, nếu đầu tư vào khâu nguyên liệu như sợi, nhuộm, dệt… thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn, trong khi ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may gần như chưa có cải thiện.
Cùng chung quan điểm, ông Phí Ngọc Thịnh, Tổng giám đốc CTCP May Hồ Gươm nhìn nhận, mặc dù dệt may được đánh giá là ngành sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP, nhưng doanh nghiệp ngành này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đơn cử như việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Theo ông Thịnh, hiện nay, nguyên liệu vải mà các công ty may tại Việt Nam sử dụng đa phần nhập từ Trung Quốc, trong khi nước này không tham gia CPTPP, nên những sản phẩm dệt may có vải xuất xứ từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế từ hiệp định này.
Đánh giá việc nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may tới Úc và Canada, ông Phí Ngọc Thịnh cho rằng, trong bối cảnh tỷ lệ hàng xuất khẩu được sang thị trường này còn hạn chế, để thâm nhập được 2 thị trường này là không hề đơn giản, nhất là khi doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với bài toán chứng minh xuất xứ.
Theo Chủ tịch HĐQT CTCP May Garmex Sài Gòn, cần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển để trong vài năm tới, theo lộ trình cam kết, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ và hưởng lợi nhờ thuế giảm.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI được nhìn nhận sẽ "nhanh chân" hơn doanh nghiệp nội trong việc tận dụng ưu đãi thuế từ CPTPP, khi họ có đủ tiềm lực để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp trong nước đang gặp phải.
Thực tế cho thấy, cạnh tranh trong ngành dệt may luôn khốc liệt. Đà tăng trưởng của doanh nghiệp dệt may nói riêng và ngành dệt may nói chung phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng tận dụng thành công cơ hội từ các hiệp định kinh tế song phương và đa phương, bên cạnh có chiến lược, chiến thuật kinh doanh hợp lý.
Theo tính toán, nếu không có CPTPP, việc duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD trong những năm tới là hết sức khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của CPTPP hay Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể đạt được mức tăng trưởng này. Theo đó, mục tiêu cán đích 34 tỷ USD năm 2018 có nhiều dư địa để hoàn thành.