digiworld.com.vn
Digiworld chào sân thực phẩm chức năng
Giữa tháng 8.2017, công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld - DGW) đã bắt tay với Vinamedic, chính thức đặt chân vào ngành phân phối thực phẩm chức năng. DGW tính toán gì ở thị trường này?
Thị trường tỉ đô
Trước đó, DGW từng hé lộ kế hoạch này tại Đại hội cổ đông cũng như trong các lần chia sẻ với báo chí. Tuy nhiên, một bước lấn sân chính thức thì phải đợi đến thương vụ hợp tác này. Theo ký kết của đôi bên, DGW sẽ cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) cho sản phẩm Kingsmen của Vinamedic. Đây là dòng sản phẩm chức năng tăng cường sinh lý nam. Kingsmen đã có mặt trên thị trường từ 2 năm trước. Mặc dù vậy, theo thừa nhận của đại diện Vinamedic, do thiếu đầu tư cho marketing nên Kingsmen chỉ mới được một nhóm khách hàng biết đến.
Với mong muốn sản phẩm Kingsmen được nhận biết và tiêu thụ rộng rãi, Vinamedic quyết định hợp tác với DGW. Từ đây, DGW sẽ tham gia phân phối cho Kingsmen và nhận trọng trách cả 5 phân mảng của dịch vụ MES gồm phân tích thị trường và hoạch định chiến lược marketing, triển khai marketing, đảm nhận các công việc liên quan đến kho bãi, quản lý hàng hóa, giao nhận, phân phối và hậu mãi.
Với nền tảng và kinh nghiệm từng thực hiện MES cho các sản phẩm công nghệ của Obi Worldphone (Mỹ), điện thoại Intex (Ấn Độ), Freetel (Nhật) và Xiaomi (Trung Quốc), ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DGW, cho biết, Công ty có cơ sở để dấn bước vào mảng phân phối thực phẩm chức năng.
Hiện tại, đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ MES tốt nhất là DKSH. Nhưng theo ghi nhận chung, hầu hết khách hàng dược phẩm của DKSH đều là những công ty lớn, đến từ châu Âu và Mỹ. Còn lãnh địa thực phẩm chức năng, nhất là thực phẩm chức năng đến từ các nước châu Á và Việt Nam, DKSH chưa để mắt tới. Theo ông Đoàn Hồng Việt, “đây là một khoảng trống và DGW sẽ nắm lấy”. Trước mắt, để chớp lấy thời cơ và triển khai dịch vụ MES cho sản phẩm Kingsmen, DGW đã tự tổ chức đội ngũ 100 trình dược viên cũng như thiết lập mạng lưới tiếp cận 5.000 nhà thuốc. Đến năm 2019, DGW dự kiến sẽ nâng số lượng nhà thuốc lên 20.000 nhà thuốc, tức chiếm khoảng 1/2 tổng nhà thuốc cả nước.
DGW hào hứng với thị trường thực phẩm chức năng một phần vì triển vọng khá lạc quan của ngành này. Báo cáo từ Variant Market Research cho thấy ngành thực phẩm chức năng trên toàn cầu năm 2016 đã đạt 195 tỉ USD. Dự đoán đến năm 2024, con số này có thể lên đến 340 tỉ USD.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), nếu như năm 2000, nước ta chỉ có 63 sản phẩm với 13 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng thì nay đã vọt lên gần 4.000 sản phẩm và xấp xỉ 2.000 công ty. Trong đó, Amway Việt Nam từng đạt doanh thu xấp xỉ 100 triệu USD từ năm 2013. Tính ra, quy mô ngành thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện đã lên tới hàng tỉ đô.
Dựa trên những tiềm năng này, DGW đã mạnh dạn đặt ra các mục tiêu lớn. Công ty dự tính trong 2 năm tới, DGW sẽ đạt 1.000 tỉ đồng từ doanh thu ngành chăm sóc sức khỏe. Trước mắt, DGW ước sẽ ghi nhận lợi nhuận gộp ở mức 60-65% từ triển khai các dịch vụ trong chuỗi MES cho Kingsmen và các sản phẩm thực phẩm chức năng khác. Lâu dài hơn, DGW dự tính sẽ lấn sân sang cả phân phối sản phẩm FMCG, dựa trên nền tảng MES đã thiết lập.
Có thật là khoảng trống?
Theo nhận định của một chuyên gia không muốn nêu tên, “phân phối thực phẩm chức năng là ngành khá phức tạp và phân mảnh, với nhiều hình thức tham gia”. Hình thức phổ biến hiện nay là các hãng nước ngoài tự phân phối qua con đường bán hàng đa cấp như Amway Việt Nam, Herbalife Việt Nam, Nu Skin...
Ưu thế của các hãng này là có sản phẩm tự sản xuất, đã được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, thực phẩm chức năng Herbalife đã được Cục Quản lý Thực Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Hay thực phẩm chức năng Nutrilite của Amway tồn tại đến nay đã 83 năm, được bán rộng rãi ở nhiều nước phát triển như Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, New Zealand.
Tuy nhiên, theo quan sát từ đại diện Công ty Mediplantex, vì số lượng đại lý quá đông và các hãng khó kiểm soát được hết hoạt động của nhiều tầng nấc phía dưới, dẫn tới gian dối dễ xảy ra. Cả Herbalife lẫn Amway đều từng gặp bê bối liên quan đến bán hàng đa cấp. Mặc dù vậy, đến nay các hãng vẫn tạo được chỗ đứng trên thị trường, duy trì tăng trưởng trên 2 con số.
Nhiều công ty dược trong nước như Traphaco, Dược Hậu Giang, OPC... cũng đi theo con đường tự sản xuất tự phân phối thực phẩm chức năng. Nhưng khác với Herbalife, Amway, các công ty tự tổ chức cửa hàng riêng và tiếp cận bán hàng qua hệ thống các nhà thuốc khắp cả nước. Như Traphaco đang phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng của Natural Factors (Canada).
Một số đơn vị khác như Vitamart, Sumpharma, MegaSun, Eco... tuy không tham gia vào sản xuất thực phẩm chức năng nhưng lại phân phối độc quyền cho nhiều nhãn hàng. Điển hình, Eco đang phân phối độc quyền cho sâm Alipas. Đây là loại thực phẩm chức năng dành cho nam giới, tương tự phân khúc với Kingsmen mà DGW đang phân phối.
Eco và các hãng phân phối thực phẩm chức năng có ưu điểm hơn DGW là đã có kinh nghiệm nhờ gia nhập thị trường từ 5-7 năm trước hoặc lâu hơn. Nhiều công ty trong số này còn phân phối đa dạng, cả dược phẩm lẫn thực phẩm chức năng. Mạng lưới phân phối của họ đã vươn ra rộng khắp, từ nhà thuốc đến hệ thống bán lẻ như Medic Care, Aeon, Lotte... Đặc biệt, như Eco còn xây dựng được thương hiệu và chuỗi bán lẻ riêng.
Tuy nhiên, phía DGW cho biết, DGW không có ý định giành thị phần, khách hàng từ đơn vị nào. Khoảng trống mà DGW muốn dấn bước là cơ hội từ hàng ngàn nhà sản xuất trong nước, có khả năng tạo ra sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng lại yếu về bán hàng, marketing. DGW cũng sẽ xem xét phân phối thực phẩm chức năng cho những hãng nước ngoài, trong phân khúc mà DKSH và các nhà phân phối chưa ngó tới. Cơ hội đến với DGW còn được nhìn ở khía cạnh các công ty sản xuất lớn tự phân phối trong nước thường không thể cùng lúc nhận phân phối những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với họ.
Đối với các đơn vị bán lẻ, đại diện DGW cho biết, để gia tăng niềm tin hợp tác, ngoài chiến lược chọn sản phẩm chất lượng và dùng uy tín thương hiệu sẵn có, DGW còn tham gia phân phối với tư cách người trong cuộc. Bằng chứng là DGW có mua cổ phần trong liên doanh với Vinamedic để trở thành cổ đông và có quyền can thiệp vào đây. Với cách thức này, DGW đã có những tác động để Kingsmen cải tiến về bao bì, đóng gói (vỉ 7 viên), tiến hành các thực nghiệm...
Theo đại diện DGW, xu hướng phân phối kết hợp đầu tư liên doanh hay M&A sẽ được Công ty tiếp tục áp dụng cho những thương vụ, hợp đồng kế tiếp.
Viết Nguyên