Điều chỉnh quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030
Quy mô diện tích khoảng 40.604km2. Dân số hiện trạng toàn vùng năm 2013 khoảng 17,3 triệu người.
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch yêu cầu cần phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng. Cụ thể, cần phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, tài nguyên tự nhiên và nhân văn, các đặc trưng của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long như vùng cảnh quan dọc sông Tiền, sông Hậu, dọc biển Đông, biển Tây, các vùng sinh thái ngập nước, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và tác động ngập lũ sông Mekong đối với phát triển vùng.
Đánh giá hiện trạng phát triển vùng về kinh tế-xã hội, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất đai, không gian vùng (không gian sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; không gian xây dựng đô thị, công nghiệp tập trung, không gian du lịch, không gian bảo tồn vùng cảnh quan thiên nhiên,...), hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch cũng yêu cầu cần dự báo phát triển vùng, mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, trong đó, xác định bối cảnh phát triển mới của quốc gia, quốc tế; phân tích đánh giá vai trò, vị thế và các mối quan hệ vùng, các tiềm năng và động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất quan điểm phát triển, tầm nhìn đến năm 2050 và các mục tiêu chiến lược phát triển vùng; xác định tính chất vùng; dự báo phát triển vùng về kinh tế-xã hội, quy mô dân số, lao động, đất đai, khả năng và quá trình đô thị hóa; dự báo sự thay đổi môi trường tự nhiên do sự tác động của phát triển kinh tế-xã hội, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, môi trường...) phù hợp với đặc thù của vùng và các tiểu vùng.
Ngoài ra, điều chỉnh mô hình phát triển vùng và các tiêu chí lựa chọn kịch bản phát triển vùng, đảm bảo các tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu và ngập lũ sông Mekong; điều chỉnh cấu trúc không gian vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở gắn với hai trục phát triển là trục Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau kết nối với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và trục dọc sông Tiền, sông Hậu kết nối với vùng Phnom Penh và Biển Đông.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Nguồn Vietnam+