ĐHCĐ VNM: Dự kiến 4.000 tỷ đồng M&A trong năm nay
Sáng nay (27/4), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) VNM tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015. Đại hội đã thông qua tất cả nội dung tờ trình.
Dành 4.000 tỷ đồng để M&A
Trả lời câu hỏi cổ đông về kế hoạch M&A năm 2015, bà Liên cho biết VNM đã hoàn thành M&A với Driftwood Dairy (Mỹ). Năm 2015, công ty lên kế hoạch dành 4.000 tỷ đồng để M&A, chi tiết kế hoạch sẽ do HĐQT tính toán. Theo bà Liên, M&A có thể hợp tác về chăn nuôi.
Hiện các công ty đa quốc gia tăng trưởng phần lớn nhờ mua bán sáp nhập. Vì thế VNM cũng có nhiều kế hoạch tăng trưởng như M&A, xuất khẩu, sản xuất tại thị trường nước ngoài… quan trọng nhất vẫn là giữ vững thị phần và lấy được thị phần của đối thủ.
Về chi phí dành cho quảng cáo, marketing của Vinamilk, bà Liên nói chi phí này năm 2014 đã chi cao hơn 2013 và 2015 còn cao hơn nữa, bởi những doanh nghiệp mới vào thị trường sẽ chịu lỗ để lấy thị phần, VNM vẫn phải có lãi và duy trì thị phần thì cũng phải chi phí cho marketing, quảng cáo… Mục tiêu cuối cùng trong chiến lược kinh doanh của VNM là tăng thị phần, tăng doanh số, tăng lợi nhuận.
Sẽ tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết, theo lộ trình chuyển giao, đến năm 2017, bà Liên sẽ hết nhiệm kỳ. HĐQT nhất trí tách chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Việc tách sẽ được thực hiện bàn bạc trong phiên họp HĐQT vào tháng 7/2015.
Phiên thảo luận trở nên sôi nổi hơn với việc cổ đông cho ý kiến về 2 nội dung sửa đổi Điều lệ Công ty theo đề xuất từ phía SCIC. SCIC đề xuất sửa đổi 2 nội dung trong Điều lệ như sau:
1. Bổ sung “trường hợp đương nhiệm mất tư cách của thành viên HĐQT, BKS trong trường hợp thành viên đó không còn được cử làm đại diện của cổ đông là tổ chức”. (Luật doanh nghiệp 2014 KHÔNG quy đinh nội dung này).
2. Bổ sung “Trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại Công ty”.
Đại diện HĐQT cho biết, ý kiến của cổ đông lớn SCIC đưa ra để thảo luận chứ không phải của HĐQT. Việc mất tư cách này thì rõ ràng một số cổ đông lớn đã lấy mất quyền của cổ đông nhỏ. Bản thân HĐQT cũng tôn trọng ý kiến của cổ đông lớn và cũng đã tham khảo ý kiến của luật sư xem có phù hợp tính pháp lý hay không.
Về vấn đề này, ý kiến luật sư tại Đại hội cho biết ý kiến của đơn vị này là trung lập, không đại diện cho bất cứ lợi ích cổ đông hay cơ quan nào. Theo luật sư này, một thành viên HĐQT và BKS nếu mất tư cách đại diện thì cũng không nằm trong HĐQT.
Việc này có hai mối quan hệ độc lập. Quan hệ thứ nhất là đại diện ủy quyền theo quyết định của tổ chức ủy quyền. Quan hệ thứ hai là quản lý điều hành. Theo luật doanh nghiệp, những người này là quản lý của công ty, được cổ đông bầu ra. Quan hệ này sẽ chấm dứt khi cổ đông bầu ra thì sẽ bãi miễn.
Theo đó, đề nghị này tạo ra cơ chế “mất tư cách tự động” được thực hiện bởi một cổ đông tổ chức nhưng không công bằng giữa các cổ đông với nhau. Trong khi VNM là công ty đại chúng. Vì thế cần có sự cân nhắc giữa lợi ích cổ đông và việc điều hành.
Về vấn đề Trưởng BKS phải làm việc chuyên trách tại công ty, bà Liên cho biết, điều này sẽ được đưa vào Luật Doanh nghiệp và thực hiện vào tháng 7/2015. Ngoài ra, VNM là công ty niêm yết, còn chịu sự chi phối từ Luật Chứng khoán và thông tư 121. Vì thế, theo bà Liên là nên chờ thời gian Luật và các thông tư hướng dẫn ban hành rồi mới điều chỉnh.
Bà Liên cũng cho biết thêm, bản thân bà đã không đại diện vốn Nhà nước tại VNM do đã quá tuổi làm việc. Nếu ý kiến của SCIC được thông qua thì bà không bị ảnh hưởng vì bà không đại diện cho tổ chức nào mà là cho cổ đông.
Trả cổ tức 20% đợt 2/2014
Theo nội dung tờ trình, HĐQT trình ĐHCĐ thông qua mức chi trả 20% cổ tức đợt 2/2014. Ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức là ngày 16/6/2015, tương đương ngày 14/5 GDKHQ. Thời gian thanh toán vào ngày 26/6/2015. Trước đó, công ty đã chi cổ tức đợt 1/2014, tỷ lệ 20%.
Năm 2014, công ty đạt danh thu 31.586 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.010 tỷ đồng. Trong khi tổng doanh thu chỉ đạt 98,4% kế hoạch thì lợi nhuận vượt 1% so với kế hoạch.
Theo lý giải của HĐQT, năm 2014, sức mua của thị trường còn thấp do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế; xuất khẩu giảm do tình hình chính trị bất ổn tại Trung Đông. Cạnh tranh ngày càng tăng khiến công ty đã tăng mạnh chi phí bán hàng. Ngoài ra, giá sữa nguyên liệu biến động lớn, tăng mạnh từ năm 2013 đến 2014 và chỉ bắt đầu giảm vào những tháng cuối năm 2014.
Một nguyên nhân tác động nữa là từ việc áp giá bán trần cho sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ tháng 6/2014 đã ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong năm 2014, VNM cũng khắc phục khó khăn bằng nhiều cách như tung ra 29 sản phẩm mới cho 4 nhóm sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi với 7 trang trại và 11.000 con bò sữa; triển khai và phát triển hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống ERP...
Tháng 9 tạm ứng 20% cổ tức đợt 1/2015
Theo kế hoạch HĐQT trình tại Đại hội, năm 2015, công ty dự kiến trả cổ tức 50% bằng tiền cho cổ đông. Đợt 1/2015, công ty thực hiện tạm ứng 20% cổ tức, thời gian thực hiện trong tháng 9/2015. Cổ tức đợt 2 sẽ được chi trả vào tháng 5/2016.
Năm 2015, HĐQT đề xuất kế hoạch doanh thu 39.077 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.229 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,4% và 12,6% so với kết quả thực hiện năm 2013.
Kế hoạch kinh doanh 2015 có điều chỉnh so với định hướng phát triển 2012 - 2016. Cụ thể, doanh thu bị điều chỉnh giảm 15% trong khi lợi nhuận trước thuế lại tăng 1,5%.
Phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu thưởng
HĐQT trình kế hoạch phát hành tối đa 200.128.280 cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 5:1 (cổ đông sở hữu 5 cổ phần được nhận thêm 1 cổ phần mới).
Dự kiến ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng sẽ được thực hiện trong quý III/2015.
Nguồn vốn thực hiện phát hành cổ phần được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển. Cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn NCĐT