Báo cáo về lĩnh vực dệt may của SSI cũng cho hay, các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Ảnh: Quý Hòa.
Dệt may Việt Nam thích ứng nhanh với thị trường
Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính đến hết tháng 2/2024, nhiều doanh nghiệp thành viên đã có đơn hàng đến tháng 6/2024, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết năm nay. Bên cạnh đó, ngành sợi cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo.
“Đáng chú ý, hiện số lượng đơn đặt hàng chủ yếu ở thị trường tiêu thụ dệt may lớn của thế giới là Mỹ, cũng là thị trường lớn nhất chiếm hơn 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam” , ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhận định.
Năm 2024, dựa vào những nỗ lực từ cải thiện quản lý đến điều hành cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng trưởng gần 10% so với năm trước. Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương, từ đầu năm nay, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng, điều này cho thấy Việt Nam đang có thế mạnh trong lĩnh vực này. Xu hướng hiện nay là doanh nghiệp dệt may cần đầu tư về công nghệ, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên cho rằng, trong xu hướng của sản xuất xanh, tuần hoàn, các doanh nghiệp may đang vướng trong khâu đánh giá, trước những yêu cầu cao về điều kiện mặt bằng sản xuất, cả về xanh hóa và ứng dụng công nghệ số. Để đáp ứng các tiêu chí này, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn để tăng năng lực cạnh tranh do đó cần quan tâm đến tăng năng suất lao động.
“May Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị theo chiều sâu, sử dụng thiết bị tự động hóa, số hóa nhiều để sản xuất hàng trị giá cao. Doanh nghiệp đang đề nghị với đơn vị có vốn của doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp được phát hành cổ phần ưu đãi 5% cho người lao động để giữ được đội ngũ lao động cốt cán, gắn bó với doanh nghiệp thông qua cổ phần”, ông Dương đề xuất.
Mặc dù ngành dệt may Việt Nam năm 2024 vẫn tận dụng tốt những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh khác, nhưng áp lực từ biến động kinh tế thế giới lên toàn ngành vẫn rất lớn. Theo quan sát của SSI, giá bán trung bình và sản lượng tiêu thụ dệt may trong quý IV/2023 chỉ cải thiện nhưng nhẹ và mức tồn kho của doanh nghiệp Mỹ vẫn ở mức cao, mặc dù đây là mùa cao điểm. Trong tháng 1/2024, giá bán trung bình và lượng đơn đặt hàng tiếp tục ở mức thấp, trong đó giá bán trung bình đã giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh khó khăn về đơn hàng, những bất ổn tại Biển Đỏ đã khiến chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ, châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng phương thức FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển, tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn trong quý I/2024 cho đến khi tình hình Biển Đỏ hạ nhiệt.
Báo cáo về lĩnh vực dệt may của SSI cũng cho hay, các nhà bán lẻ thời trang đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng thấp và cạnh tranh gia tăng. Do đó, các thương hiệu thời trang có thể sẽ đẩy mạnh việc phòng thủ trong kinh doanh và các nhà cung cấp sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn hơn từ nhu cầu đơn hàng giảm xuống khi vấn đề này lan truyền đến khắp chuỗi cung ứng. Hơn nữa, quản lý hàng tồn kho và kiểm soát chi phí sẽ tiếp tục là trọng tâm chính với các nhà bán lẻ. Điều này sẽ dẫn tới rút ngắn thời gian đặt hàng và suy giảm giá bán cho các doanh nghiệp gia công hàng dệt may.
Có thể bạn quan tâm: