Dệt may Việt Nam đang trải qua những ngày rất khó khăn.

 
Minh Anh Thứ Hai | 27/04/2020 08:21

Dệt may của toàn cầu tổn thương nặng nề

Không chỉ ở Việt Nam, ngành dệt may ở tất cả các nước đang gia công sản xuất đều đang hứng chịu những hệ luỵ nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID -19 đang làm thay đổi cả chuỗi sản xuất của ngành dệt may toàn cầu. Những nền công nghiệp gia công và xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Bangladesh hay Việt Nam đang phải chịu những tổn thương liên tiếp khi nguồn cung nguyên phụ liệu lớn nhất thế giới là Trung Quốc và nguồn cầu lớn nhất thế giới là châu Âu và Mỹ đang nằm trong tình trạng đóng cửa.

Đứt nguồn cung Trung Quốc, giảm đơn hàng Mỹ và EU

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may, 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do đại dịch bệnh COVID-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và có thể 80% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5.

Các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên sản xuất gia công theo đơn đặt hàng từ Mỹ và các nước châu Âu, dịch bệnh bùng phát tại các nước này, 2 thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam khiến cho ngành này tê liệt trong thời gian qua.

Không chỉ việc các thương hiệu lớn và các nhà bán lẻ hủy đơn đặt hàng trong tương lai, bên cạnh đó, họ còn từ chối chịu trách nhiệm đối với hàng may mặc đã được sản xuất, sử dụng các điều khoản khẩn cấp trong hợp đồng để ngừng giao hàng và tránh trả tiền cho hàng hóa mà họ đặt.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Viet Thang Jeans, cho biết ngành dệt may sử dụng lượng lao động lớn, do đó khi dịch bệnh xảy ra ngành bị ảnh hưởng khá nặng nề. Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành rất bất ngờ với những tác động tiêu cực của nó đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, nhân sự...

"Khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi dự báo khả năng hồi phục của các doanh nghiệp trong tháng 3-4, thế nhưng không phải như vậy", ông Việt chia sẻ. Sau khi nguồn cung bị đứt từ Trung Quốc, các doanh nghiệp trong ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn với việc bị tạm hoãn, đình trệ đơn hàng tại thị trường EU và Mỹ. Cụ thể, tại Viet Thang Jeans, ngay trong tháng 3, các khách hàng ở EU và Mỹ thông báo hoãn nhận đơn hàng trong vòng 3 tuần và 1 tháng.

Khi các khách hàng ở thị trường nhập khẩu chủ lực tạm ngưng nhận hàng thì đồng nghĩa 60-70% đơn hành của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khi đó, doanh nghiệp trông chờ vào các thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. “Tuy nhiên, ở những thị trường này, doanh nghiệp dệt may vẫn gặp khó khăn do sức mua cũng bị giảm sút do tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài”, ông Việt chia sẻ.

Khó khăn liên hoàn dệt may thế giới

Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các nước may gia công khác cũng gặp tình trạng tương tự. Một công ty may mặc trị giá 5 tỉ USD và 1 triệu nhân viên trong ngành công nghiệp may mặc tại Sri Lanka đang “chờ chết” trong bối cảnh các đơn đặt hàng lớn bị hủy bỏ từ thị trường Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu hàng may mặc Sri Lanka, ông Rehan Lakhani cho biết, một trong những nhược điểm mà ngành công nghiệp địa phương này đang phải đối mặt là hầu hết các nhà máy sản xuất theo mùa vụ và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường cung ứng toàn cầu. Khi gặp vấn đề trong chuỗi sản xuất, các công ty nước này lập tức lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm đang có nhu cầu cao trong thị trường hiện tại như các thiết bị bảo vệ cá nhân, găng tay và áo choàng được sản xuất tại Siri Lanka, chỉ chiếm khoảng 5% phạm vi của thị trường quốc tế.

 

Tại Myanmar, Tham tán Nhà nước Daw Aung San Suu Kyi đã xác nhận rằng chính phủ nước này sẽ đóng cửa các nhà máy cho đến khi việc kiểm tra COVID-19 được thực hiện.

Các quan chức chính phủ sẽ có hành động cưỡng chế đối với những nhà máy không tuân thủ quy định. Thời báo Myanmar báo cáo rằng, mặc dù hầu hết các chủ nhà máy đang tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ, tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà máy đang đóng cửa sản xuất mà không trợ cấp cho công nhân. Hiện tại, các công nhân ngành may mặc tổ chức biểu tình bên ngoài các nhà máy của họ.

Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) ước tính gần một nửa trong số 4,1 triệu công nhân may đã bị sa thải và điều này đã gây ra những hậu quả nặng nề cho công nhân và gia đình họ.

Sự rạn nứt trong mối quan hệ cung cầu giữa các thương hiệu lớn và chủ sở hữu nhà máy trong việc tiếp tục các đơn hàng sản xuất khiến phần lớn công nhân rơi vào tình trạng khó khăn, nghỉ việc hoặc không có lương.

Rubana Huq, Chủ tịch của BGMEA, mô tả tình huống này là “vực thẳm” và “không thực tế”, thêm vào đó, có rất ít sự truy cầu pháp lý ở các nhà máy để yêu cầu các nhà bán lẻ quốc tế thực hiện các điều khoản trong hợp đồng của họ.

Những biện pháp ứng phó

Liên đoàn Công nhân May Quốc gia Bangladesh(NGWF) đang phân phát thực phẩm khẩn cấp và thiết bị an toàn cho các công nhân may mặc nước này. Tại Campuchia dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này đã chịu sự sụt giảm nghiêm trọng, theo các nhà kinh tế, điều này có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế. Do phần lớn dòng vốn FDI đã đến trong vài năm qua, từ Trung Quốc, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất hàng may mặc.

Campuchia, họ vẫn còn chưa kịp “hoàn hồn” sau khi EU quyết định áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng hoá may mặc từ quốc gia này vào tháng 2 vừa qua. Tiếp ngay sau đó, đại dịch COVID-19 đã giáng tiếp một đòn thứ hai vào ngành may mặc có trị giá lên tới 10 tỉ USD, với hơn 800.000 lao động của nước này.

Liên đoàn Công đoàn toàn cầu và Tổ chức Sử dụng lao động quốc tế (IOE) đã đề xuất một lời kêu gọi hành động chung liên quan đến Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các thương hiệu và nhà bán lẻ nên hỗ trợ các nhà sản xuất tại các nước đang chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Bên cạnh việc trả tiền cho hàng hóa đã được sản xuất hoặc sản xuất theo thỏa thuận ban đầu và cải cách phương thức mua hàng của họ. Chính phủ xuất khẩu và nhập khẩu hàng may mặc, các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế nên hỗ trợ các mục tiêu của chương trình để tạo ra các quỹ cứu trợ khẩn cấp và giám sát việc giải ngân cho tất cả người lao động thông qua quy trình ba bên.

Các chính phủ, các thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà cung cấp, nên hợp tác với các nhóm và tổ chức quyền lao động để giảm thiểu tác hại kinh tế cho người lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Có thể nói, gần đây đã thấy một số chính phủ của các quốc gia như Sri Lanka Bangladesh, Campuchia, Việt Nam và Ethiopia tung ra gói hỗ trợ cho ngành may mặc trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Chẳng hạn, Bangladesh đã cung cấp cho ngành may mặc của mình khoản trợ cấp 8,23 tỉ USD trong khi đó Campuchia đã hỗ trợ cho mỗi nhân viên 40 USD, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong ngành may mặc có lẽ sẽ còn kéo dài khi mà dịch bệnh tại các nước châu Âu và Mĩ vẫn còn chưa được khống chế một cách triệt để.

Trong khi các nhà bán lẻ hàng may mặc đang phải đóng cửa hàng ở các nước bị ảnh hưởng của đại dịch thì tại chính các quốc gia sản xuất hàng may mặc, nhiều nhà máy cũng buộc phải đóng cửa, khiến hàng triệu công nhân lao động mất việc. Các công nhân may đang được dự kiến sẽ nhận lương bằng chính… quần áo họ đã làm.